Những phát hiện mới về khảo cổ tại núi Thiên Bút

07:03, 10/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau hơn 20 ngày khai quật khảo cổ khẩn cấp tại núi Thiên Bút (TP.Quảng Ngãi), các chuyên gia khảo cổ đã phát hiện dấu tích của tháp Chăm, với nhiều hiện vật có giá trị của nền văn hóa Chămpa.

TIN LIÊN QUAN

Trong những ngày qua, tổ khai quật khảo cổ khẩn cấp tại núi Thiên Bút do Quyền Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Lê Hồng Khánh làm tổ trưởng và tiến sĩ Vũ Quốc Hiền - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là người phụ trách khai quật cùng các thành viên đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao. Sau hơn 20 ngày triển khai, các chuyên gia đã có những phát hiện quan trọng về tháp Chăm, cùng các hiện vật có giá trị của nền văn hóa Chămpa.

Toàn bộ móng tháp Chăm đã lộ thiên trên núi Thiên Bút.
Toàn bộ móng tháp Chăm đã lộ thiên trên núi Thiên Bút.


Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh - Chuyên gia Điêu khắc mỹ thuật Chămpa cho biết, đặc điểm của viên gạch thời Chămpa là có độ xốp, nhẹ, to bản, có độ cong... Đền tháp Chăm thường cao trên 20m, là hình ảnh của các quả núi, nơi thần linh trú ngụ, bên trong có các tượng phật. Để xây được những tòa kiến trúc như vậy phải chọn nơi có nền đất chắc để xây tường dày trên 1m bằng đá hoặc gạch.
 

Theo các chuyên gia, ở đâu có gò gạch, gò hời… thì chắc chắn ở đó có gạch đá Chàm và nhiều khả năng ở đó có di tích của đền tháp cổ. Tuy nhiên, phải nghiên cứu thì mới xác định chắc chắn. Riêng đối với tháp trên núi Thiên Bút, qua các hiện vật và một số dấu tích của móng đã phát lộ, có thể đây là tháp Chăm có quy mô lớn, thể hiện qua kích thước của đá ong. "Với nền móng chắc như vậy thì phải có một tháp quy mô", một chuyên gia nhận định.

Hiện toàn bộ tháp trên núi Thiên Bút đã phát lộ nền móng của tháp Chăm bằng gạch. Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh nhận định, tổ khai quật đã phát hiện một số hiện vật bằng đá, trong đó có hình tai lửa bằng đá và bằng đất nung. Các tai lửa thường được trang trí trên đầu con rồng ở góc các tầng tháp. Đồng thời, tổ khai quật cũng đã phát hiện một số tượng Kinnari bằng đất nung.

Chim thần Kinnari đầu người mình chim trong thần thoại Ấn Độ là những ca sĩ, nhạc công thiên thần múa hát trên thiên đình. Loại hình này thường được người Chăm dùng trang trí thành băng trên diềm mái tháp. Tượng đá và tượng đất nung Kinnari là những hiện vật quý đối với nền văn hóa Chămpa đã được đưa về lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. “Tượng Kinnari được làm bằng chất liệu đơn sơ, mộc mạc, nhưng nó được kết tinh cả tinh hoa và tri thức của người Chămpa; đồng thời phô diễn nét đẹp của người phụ nữ Chăm”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh nhấn mạnh.

Qua những hiện vật ban đầu, các nhà nghiên cứu có cơ sở để xác định được niên đại cụ thể của tháp Chăm trên núi Thiên Bút. Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền, cho biết: Sau khi xử lý gạch vụn, các chuyên gia sẽ nghiên cứu kỹ thuật nền móng của tháp Chăm tại đây. Qua nghiên cứu sơ bộ, chúng tôi nhận thấy trên nền đất sét có lớp cuội và đá. Trên lớp cuội và đá là lớp đá ong và lớp gạch được phủ lên trên.

 Tổ khai quật phát hiện một số hiện vật quý.
Tổ khai quật phát hiện một số hiện vật quý.


Các chuyên gia cũng khẳng định, đá và đá ong được mang từ nơi khác đến. Bởi theo họ, xung quanh khu vực núi Thiên Bút không có đá ong và những tảng đá bazan. Ở Quảng Ngãi, đá ong phổ biến ở Mộ Đức, Đức Phổ. Ngoài ra, khu vực Ba Làng An thuộc xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng có đá ong, nhưng nơi này cách trở nên khó khăn trong việc vận chuyển. Vì vậy, theo suy luận của các nhà nghiên cứu, rất có thể người Chăm đã vào Mộ Đức, Đức Phổ để vận chuyển đá ong ra núi Thiên Bút để xây tháp.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, lượng gạch trong tháp Chăm còn lại không nhiều, vì vậy có khả năng qua các thời kỳ lịch sử đã khai thác gạch để sử dụng cho các công trình khác. “Đặt giả thuyết với móng và tai lửa như đã phát hiện thì nếu chưa khai thác gạch thì đây sẽ là một núi gạch. Tại hố thiêng, nơi đặt gạch thờ là móng của trung tâm để xây dựng bệ thờ. Trên bệ thờ thường đặt Yoni, Linga- biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực của văn hóa Chăm”, Phó Giáo sư, tiến sĩ Ngô Văn Doanh chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Việt Nam tìm ra một tháp Chăm mới, mà từ trước đến nay chưa được phát hiện và ghi nhận một cách chắc chắn. Vì thế, đây sẽ là di tích văn hóa quan trọng để đánh dấu trên bản đồ di tích Chămpa có thể thu hút khách du lịch đến tham quan, nghiên cứu. Việc khai quật khảo cổ học tại núi Thiên Bút sẽ cung cấp nguồn sử liệu quan trọng, góp phần nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa thời kỳ tiền sử ở Quảng Ngãi cũng như thời kỳ dựng nước của nhân dân ta.

Bài, ảnh: P.LÝ-TP.PHƯƠNG


 


.