Động lực mới để phát triển văn hóa, du lịch

03:02, 19/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016, Tỉnh ủy ban hành 2 nghị quyết có tác động trực tiếp đến ngành VH-TT&DL, đó là nghị quyết về phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững và nghị quyết về phát triển dịch vụ, du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Đây là cơ sở để ngành VH-TT&DL thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao.

Mùa xuân với văn hóa và con người Quảng Ngãi

 Năm 2016, ngành VH-TT&DL đã chủ động thông tin cổ động về các sự kiện lịch sử trọng đại, như  kỷ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; 110 năm ngày sinh Thủ tướng Phạm Văn Đồng; 140 năm ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng; tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh...  

Các chuyên gia khảo sát địa chất vùng phụ cận Bình Hải (Bình Sơn).  	   	                            Ảnh: Trường An
Các chuyên gia khảo sát địa chất vùng phụ cận Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: Trường An


Ngành cũng đã tổ chức thành công những lễ hội mang đậm chất tín ngưỡng, văn hóa đặc sắc của từng vùng miền. Tổ chức trưng bày chuyên đề “Nghề đan tre và dệt chiếu của cư dân Quảng Ngãi, phần I vùng đồng bằng, duyên hải”, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thủ công một thời, giúp người xem cảm nhận sự sáng tạo, tay nghề khéo léo của cha ông ta.

Công tác bảo tồn và quản lý di sản cũng được quan tâm. Quảng Ngãi có 8 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015; 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” và 4 nghệ nhận được trao Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian. Nghệ nhân Vũ Huy Bình ở thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), chia sẻ: Bằng công nhận Nghệ nhân dân gian như một minh chứng về văn hóa đặc sắc của dân tộc ta một thời. Có bằng công nhận này, chúng tôi mới mạnh dạn truyền dạy cho thế hệ mai sau.
 

“Năm 2017, ngành tập trung triển khai thực hiện Chương trình hành động số 61 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tổ chức các lễ hội truyền thống. Cùng với đó là chú trọng triển khai Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và một số nhiệm vụ trọng tâm khác”
Giám đốc Sở VH-TT&DL NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Dấu ấn 15 năm

Năm 2016 là năm tổng kết 15 năm triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phong trào này đã mang lại nhiều dấu ấn, từ việc làm cho những con đường làng sạch sẽ, thông thoáng đến những câu chuyện chia sẻ cách làm ăn, chuyện mùa màng, thăm hỏi, động viên nhau lúc hoạn nạn, khó khăn... Đây là điều kiện để phát triển kinh tế, xây dựng làng quê yên bình, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn và xây dựng đô thị văn minh. Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Phong trào này đã củng cố và mở rộng thêm khối đại đoàn kết toàn dân, tạo mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, chính quyền, các đoàn thể với nhân dân”.

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng phát triển và đạt chất lượng. Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có 242 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá, bằng 20% tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp toàn tỉnh thì đến cuối năm 2015 có hơn 1.760 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 90%. Số hộ đạt gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2000, toàn tỉnh có 94.000 hộ gia đình văn hóa, đạt 37% số hộ toàn tỉnh. Đến năm 2016, số hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa hơn 83%; số thôn, khối phố văn hoá đạt 77%...

Tập trung phát triển du lịch

Quảng Ngãi nổi tiếng với 12 danh lam, thắng cảnh và những di tích lịch sử oai hùng của dân tộc. Những di tích, danh lam thắng cảnh đã đi vào lòng người, làm ngẩn ngơ bao thi nhân mặc khách. Tuy vậy, để “đánh thức” tiềm năng này, góp phần phát triển kinh tế, xã hội tỉnh đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong dân.

Âm vang Hrê.                        Ảnh: Nguyễn Văn Xuân
Âm vang Hrê. Ảnh: Nguyễn Văn Xuân


Trên cơ sở tham mưu, triển khai thực hiện nghị quyết, đề án phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, Sở VH-TT&DL đã tiến hành quy hoạch, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia khai thác các dự án du lịch trên địa bàn, như: Khu dịch vụ khách sạn Khánh Long Mỹ Khê và Trung tâm thương mại, Khu thương mại dịch vụ Ba Tơ, Khu du lịch Sài Gòn - Lý Sơn... Đồng thời, hoàn chỉnh Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch.

Năm 2016, ngành đã nhiều lần mời các chuyên gia trong và ngoài nước về khảo sát làm sáng tỏ giá trị địa chất do hoạt động núi lửa từ nghìn năm ở vùng biển Lý Sơn, Bình Châu (Bình Sơn) và vùng phụ cận. Đây là cơ sở để tỉnh Quảng Ngãi đề xuất lên ngành chức năng công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Bà Huỳnh Thị Phương Hoa- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói: “Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng cách xây dựng cẩm nang; quay video clip với chủ đề “Lý Sơn-Đảo tình yêu” quảng bá du lịch trên các trang mạng xã hội; xây dựng các biển chỉ dẫn, biển cảnh báo nguy hiểm để khách du lịch cảm thấy an toàn khi tham quan, ngắm cảnh... đã góp phần thu hút du khách đến với Quảng Ngãi. Đến cuối năm 2016, Quảng Ngãi đã thu hút 725.000 lượt khách, đạt 104% kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế có 61.000 lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt 640 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
 

Thắng cảnh Ba Làng An, xã  Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh Thanh Phong
Thắng cảnh Ba Làng An, xã Bình Châu (Bình Sơn). Ảnh Thanh Phong

 

Trường An



 


.