Phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản

03:11, 27/11/2016
.

Ông  Nguyễn Tuấn Lâm.
Ông Nguyễn Tuấn Lâm.

(Báo Quảng Ngãi)- Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, hiện nay trên thế giới phát triển mạnh mẽ loại hình kinh tế xanh, tức là phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn. Làm được điều này, ngành du lịch ở nhiều quốc gia đã phát triển vượt bậc.  

Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, di sản là một dạng tài nguyên đặc biệt của ngành kinh tế du lịch, tuy nhiên tùy vào giá trị di sản sẽ có cách khai thác ưu thế riêng để phát triển du lịch.

-PV: Ông có thể cho biết rõ hơn quan điểm phát triển gắn với bảo tồn di sản?  

Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Bảo tồn là để phát huy giá trị, bảo đảm phát triển bền vững phục vụ lợi ích cộng đồng. Phát triển bền vững là sự phát triển của hiện tại, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai, điều đó có nghĩa, chúng ta khai thác giá trị tài nguyên trên cơ sở bảo tồn thì mới đáp ứng được tiêu chí nói trên. Quan điểm bảo tồn và phát triển cần phải được nhìn nhận một cách linh hoạt, bảo tồn để phát triển và phát triển đến lượt nó sẽ giúp cho bảo tồn được tốt hơn. Bảo tồn di sản phải đi kèm với khai thác, phát huy giá trị của nó trong đời sống; phải có sự lựa chọn để bảo tồn những gì phù hợp với thời đại, với cộng đồng.
 

Quảng Ngãi sở hữu tiềm năng hiếm có về du lịch biển, đảo không chỉ ở trong nước mà cả quốc tế. Vì thế, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, vấn đề là cách thức khai thác, tạo sản phẩm du lịch độc đáo và quan trọng phải đặt lên hàng đầu bảo đảm phát triển du lịch mang tính bền vững, phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn.          
Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm.

-PV: Từng nghiên cứu về di sản ở nhiều quốc gia trên thế giới, ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản ở Quảng Ngãi?

Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Với tiềm năng hiếm có, nhưng Quảng Ngãi chưa có tên trong bản đồ du lịch là điều đáng tiếc. Qua nghiên cứu bước đầu của nhiều chuyên gia trên thế giới, khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận tích hợp nhiều di sản có giá trị, trong đó nổi bật nhất là di sản về địa chất mà giá trị của nó vừa mang tầm quốc gia, vừa mang tầm quốc tế. Di sản địa chất ở đây được hình thành do hoạt động phun trào núi lửa nhiều giai đoạn kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 11 triệu đến trên 3.000 năm. Theo tôi, với “tài sản” hiện có của Quảng Ngãi, nếu biết cách bảo tồn và phát triển đúng hướng, trong tương lai không xa sẽ có hàng triệu khách du lịch đến đây mỗi năm.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, điều khiến chúng tôi thật sự lo ngại là hậu quả từ sự phát triển “nóng” của Lý Sơn hiện nay. Việc xây dựng tràn lan, thiếu quy hoạch dẫn đến nhiều di sản bị xâm phạm, có nguy cơ bị phá hủy. Để di sản không bị mất đi, cần phải có sự can thiệp kịp thời và đúng đắn của chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến tham quan đảo Bé (Lý Sơn).  ẢNH: PV
Khách du lịch đến tham quan đảo Bé (Lý Sơn). ẢNH: PV


-PV: Việc xây dựng và phát triển công viên địa chất Lý Sơn, lập hồ sơ công viên địa chất toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển du lịch của Quảng Ngãi, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Công viên địa chất là xu hướng mới của khoa học địa chất, đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, được hiểu là khu bảo tồn các đặc điểm và giá trị địa chất-địa mạo cùng các giá trị khác về cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, khảo cổ... với mục đích phát triển kinh tế bền vững. Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận đáp ứng tốt các tiêu chí để xây dựng công viên địa chất toàn cầu. Đây là một trong những giải pháp để xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế, cũng là cách để tạo dựng thương hiệu du lịch cho Quảng Ngãi.

Di sản địa chất-địa mạo kết hợp với di sản văn hóa, cảnh quan, hệ sinh thái ở Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận... sẽ là nguồn tài nguyên quý đối với ngành du lịch của Quảng Ngãi, là điểm mạnh khác biệt so với các khu di sản khác ở trong nước và quốc tế. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản trên cơ sở liên kết, tạo sức hút mạnh mẽ để Quảng Ngãi phát triển du lịch bền vững là điều cần thiết phải được tiến hành, để phát huy giá trị của di sản một cách sống động nhất.  

PHƯƠNG LÝ
 (thực hiện)

 


.