Du lịch Quảng Ngãi: Khai thác lợi thế để bứt phá

09:01, 01/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngành công nghiệp không khói ở Quảng Ngãi đã được mở lối để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Và giải pháp được vạch ra sẽ giúp Quảng Ngãi tận dụng, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế, cơ hội để phát triển du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển du lịch. Điều này đã được các chuyên gia hàng đầu trong nước và trên thế giới nhận định, với nhiều tiềm năng, lợi thế chỉ riêng có ở mảnh đất này.
    
Đánh dấu sự khởi sắc

Quảng Ngãi ngày càng được nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến. Trên hành trình khám phá đặc trưng văn hóa và cảnh đẹp, khách du lịch ở khắp mọi nơi tìm đến Quảng Ngãi để thỏa sức đắm mình trong bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, kỳ vĩ, đặc biệt là ở đất đảo Lý Sơn, với nhiều miệng núi lửa, vách đá, hang động, cổng đá và làn nước biển trong xanh. Hơn thế nữa, Lý Sơn  hấp dẫn du khách bởi nơi đây sở hữu một quần thể di tích văn hóa-lịch sử hiếm nơi nào có được. Sau 2 ngày khám phá cảnh đẹp tại Lý Sơn, anh Huỳnh Tấn Thừa, đến từ TP.Hồ Chí Minh, nói chắc nịch: “Tôi đã bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ ở hòn đảo này”.    

Bãi tắm ở đảo Bé (Lý Sơn) một điểm đến thu hút nhiều du khách. Ảnh: Trường Linh
Bãi tắm ở đảo Bé (Lý Sơn) một điểm đến thu hút nhiều du khách. Ảnh: Trường Linh


Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa phấn khởi cho biết, năm 2016 tiếp tục là một năm đầy khởi sắc của ngành du lịch Quảng Ngãi. Trong năm, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Ngãi ước đạt 725 nghìn lượt người, trong đó có 61 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 640 tỷ đồng. Riêng tổng lượt khách đến Lý Sơn ước đạt 161 nghìn lượt (tăng gần 175% so với năm 2015). Ngành du lịch đã tạo việc làm cho trên 10 nghìn lao động trong toàn tỉnh. Riêng tại huyện đảo Lý Sơn, nhiều hộ dân đã sống chủ yếu dựa vào nguồn thu từ dịch vụ, du lịch.

Theo bà Huỳnh Thị Phương Hoa, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch vào đầu tư một số khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, resort, khu nghỉ dưỡng cao cấp, tạo tiền đề để thúc đẩy dịch vụ, du lịch trong những năm đến. Tại Lý Sơn, cùng với phát triển loại hình du lịch homestay, khách sạn Mường Thanh đi vào hoạt động đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp. Khách sạn Mường Thanh cũng đã giúp cho du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) ở Lý Sơn phát triển, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị, doanh nghiệp trong tình hình mới.
 

Phấn đấu đạt 1,1 triệu lượt khách

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, đến năm 2020, tổng số khách du lịch đạt trên 1,1 triệu lượt, trong đó 80 nghìn lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú bình quân của du khách đạt từ 3 ngày trở lên. Tổng doanh thu đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 người, trong đó 5.000 lao động trực tiếp. Về dịch vụ phân phối, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 10,4%; đến năm 2020 chiếm tỷ trọng 24,3% trong khu vực dịch vụ và chiếm 9% trong tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh.

Nhưng vẫn chưa khai thác tốt tiềm năng    

Mặc dù, ngành du lịch của tỉnh có bước chuyển biến tích cực, thế nhưng so với tiềm năng hiện có thì vẫn chưa tương xứng, chưa thật sự tạo bứt phá để khẳng định thương hiệu. Lượng khách đến tham quan tăng đột biến, song đó vẫn chưa là con số ấn tượng, nếu so sánh với các tỉnh lân cận.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ đã thẳng thẳn chỉ rõ: Trong nhiều năm qua, tỉnh chưa tìm được giải pháp phù hợp để khơi dậy, phát huy tiềm năng du lịch; lĩnh vực du lịch, dịch vụ chưa đóng góp được nhiều cho tăng trưởng kinh tế. Quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập. Các ngành dịch vụ quy mô còn nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả còn thấp. Sản phẩm, dịch vụ du lịch còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Các giá trị văn hóa-lịch sử chưa được khai thác tốt phục vụ cho phát triển du lịch, dịch vụ...

Lý Sơn là điểm nhấn trong phát triển du lịch của tỉnh. Thế nhưng, vì chưa có sản phẩm du lịch độc đáo nên chưa thể “níu chân” du khách ở lại dài ngày trên đảo. Đây là điều khiến nhiều người tiếc nuối. Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, với tiềm năng hiếm có nhưng Quảng Ngãi chưa có tên trên bản đồ du lịch là điều đáng tiếc.

Qua trực tiếp nghiên cứu cùng với nhiều chuyên gia trên thế giới, ông Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận tích hợp nhiều di sản có giá trị, trong đó nổi bật nhất là di sản về địa chất mà không nơi nào có được, vừa mang tầm quốc gia, vừa mang tầm quốc tế. “Với “tài sản” hiện có, nếu biết cách bảo tồn và phát triển đúng hướng, trong tương lai không xa sẽ có hàng triệu khách du lịch đến Quảng Ngãi mỗi năm”, ông Lâm nhận định.

Lối đi đã mở

Giữa tháng 10.2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về phát triển dịch vụ, du lịch tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2016-2020. Điều này cho thấy quyết tâm của Tỉnh ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bứt phá trong ngành công nghiệp không khói. Nghị quyết này đã mở ra lối đi cho ngành du lịch của tỉnh với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ du lịch và một số dịch vụ thiết yếu mà tỉnh có thế mạnh, huy động nguồn lực xã hội đầu tư một số khu, điểm du lịch cao cấp; dịch vụ chất lượng cao; phát triển mạnh du lịch cộng đồng; thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động; góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

 

Du khách nước ngoài giao lưu văn hóa cồng chiêng.                                                                                                                     Ảnh: ĐỨC PHONG
Du khách nước ngoài giao lưu văn hóa cồng chiêng. Ảnh: ĐỨC PHONG


Theo phân tích của Tỉnh ủy, các dự án: Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ VSIP, Trung tâm thương mại và nhà phố Shophouse, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Bình Châu, công viên địa chất toàn cầu khu vực Lý Sơn-Bình Châu và vùng phụ cận; Khu văn hóa Thiên Ấn; Công viên Thiên Bút, Khu du lịch Sa Huỳnh và một số dự án khác được thực hiện, là những điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển dịch vụ, du lịch.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Lâm cho biết, Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận đáp ứng tốt các tiêu chí để xây dựng công viên địa chất toàn cầu, đây là một trong những giải pháp để xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế, cũng là cách để tạo dựng thương hiệu du lịch cho Quảng Ngãi. Di sản địa chất-địa mạo kết hợp với di sản văn hóa, cảnh quan, hệ sinh thái ở Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận... là nguồn tài nguyên quý giá đối với ngành du lịch của tỉnh, là điểm mạnh khác biệt so với các di sản khác ở trong nước và quốc tế. Theo ông Lâm, cần phải có sự kết nối giữa các di sản trên địa bàn tỉnh, tạo sức hút để phát triển du lịch bền vững.

PHƯƠNG LÝ - DUY HÙNG

 


.