(Baoquangngai.vn)- Lần đầu tiên, các em học sinh Trường THCS Võ Bẩm (xã Tịnh Khê, Tp.Quảng Ngãi) đã có những trải nghiệm thú vị trong vai trò là thuyết minh viên ở Khu chứng tích Sơn Mỹ. Các em đã tự tin giới thiệu tổng quan, lần lượt đưa người xem đến với các chứng tích lịch sử qua từng khu trưng bày…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thử tài làm… thuyết minh viên
“Xin chào các anh chị! Rất hân hạnh được đón tiếp anh chị về thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ. Hôm nay, tôi sẽ là người trực tiếp hướng dẫn các anh chị đến tham quan và tìm hiểu…”
“Vâng, phía trước mặt đoàn hiện giờ là tấm bia ghi đầy đủ tên, tuổi, giới tính của 504 đồng bào vô tội bị quân đội Mỹ giết hại dã man chỉ trong vòng một buổi sáng vào ngày 16.3.1968. 504 nạn nhân vô tội là cụ già, phụ nữ, trẻ em đều bị sát hại dã man…”
Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, ngọt ngào… phần giới thiệu của từng em học sinh ưu tú của Trường THCS Võ Bẩm đã làm không ít BGK, thầy cô giáo, học sinh, khách mời tham dự xúc động. Thấy các em giới thiệu một cách chuyên nghiệp, hấp dẫn nhưng không kém phần dễ thương, đông đảo khách đến tham quan cũng liền nhập theo đoàn.
Em Đỗ Thị Minh Khuê thuyết minh về vụ thảm sát, thông qua những hình ảnh, tư liệu và hiện vật được trưng bày. |
Anh Nguyễn Viết Nghĩa - Phó Phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch khá bất ngờ trước khả năng của các em, tấm tắc khen ngợi: “Tuy lần đầu tham gia nhưng các em đã thuyết minh một cách tự tin và chững chạc trong cách di chuyển, tác phong cho đến từng mốc thời gian, nội dung”.
Đây quả thật là một trải nghiệm đáng nhớ và bổ ích cho chính các em. Để nhận được những lời khen trên, ngoài nắm rõ lịch sử, những “thuyết minh nhí” này phải chuẩn bị rất nhiều kỹ năng.
Em Đỗ Thị Minh Khuê, lớp 9C, cho biết: “Em phải mất hai tuần để nắm hết những kiến thức lịch sử ở đây. Hiểu được nội dung là một phần nhưng một điều không kém phần quan trọng của một thuyết minh chính là làm thế nào để thu hút người nghe. Việc nói to, có nhịp điệu chưa hẳn đã thuyết phục được khách tham quan. Do vậy, khi nào rảnh là em liền ghé qua Khu chứng tích để nhờ các chị hướng dẫn thêm các kỹ năng như: cách đi đứng, nói chuyện, sử dụng ngôn ngữ cơ thể như thế nào để truyền đạt đến khách tham quan”.
Khát khao hòa bình
Tự tin giới thiệu đến người xem, chàng trai Đỗ Ánh Đỉnh, lớp 9C, bộc bạch: “Khi lần đầu tiên đến tham quan Khu chứng tích Sơn Mỹ, nhìn thấy những hình ảnh, tư liệu và hiện vật được trưng bày em quá xúc động và tự nói với bản thân mình phải làm một việc gì đó để bù đắp lại những đau thương, mất mát mà người thân, quê hương em gánh phải. Em đang cố gắng học thật giỏi và trau dồi kiến thức để trở thành một thuyết minh viên chuyên nghiệp”.
Các em tự tin làm chủ được bản thân trước đám đông. |
Đỉnh nghĩ rằng, công việc thuyết minh sẽ giúp em góp một tiếng nói của mình, tố cáo những tội ác mà quân Mỹ đã gây ra cho 504 thường dân vô tội, cũng như hậu quả của chiến tranh đến tất cả mọi người. Đỉnh bày tỏ nguyện vọng, khát khao có một thế giới hòa bình cho mọi trẻ em trên thế giới.
Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, chia sẻ: Cuộc thi “Thuyết minh nhí” là một trong những hoạt động mới lạ, bổ ích dành cho các em học sinh Tịnh Khê nhân dịp tưởng niệm 48 năm Ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ (16.3.1968 - 16.3.2016).
Cuộc thi đã giúp các em hiểu rõ hơn về những tội ác chiến tranh do quân xâm lược Mỹ gây ra cho chính quê hương của mình, nhận thức sâu sắc về giá trị của các di tích lịch sử. Ngoài ra, còn giúp các em rèn luyện thêm kỹ năng, tự tin diễn đạt trước công chúng, trải nghiệm công việc của một thuyết minh viên.
Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ trao giải nhất cho em Đỗ Thị Minh Khuê. |
Nhìn các em từng bước vượt qua những cung bậc cảm xúc, từ cảm giác hơi run ban đầu chuyển dần sang thích thú và làm chủ được bản thân trước đám đông, mỗi thầy cô sẽ biết cần phải trang bị cho học sinh của mình những kỹ năng gì; lan tỏa trong các em tinh thần phấn đấu “bạn mình làm được, thì mình cũng sẽ làm được”.
Trong thời gian đến, Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ sẽ phối hợp nhà trường đẩy mạnh hoạt động này trong các giờ ngoại khóa để các em ngày càng thêm yêu bộ môn lịch sử, yêu hòa bình, ra sức phấn đấu học tập, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Đặc biệt, với những thí sinh xuất sắc, chúng tôi sẽ bồi dưỡng thêm để các em có cơ hội phát huy khả năng của mình với đoàn khách đến từ các trường học đến tham quan Khu chứng tích”, ông Công khẳng định.
Bài, ảnh: Thiên Hậu