Cuốn sổ lưu niệm ở Khu chứng tích Sơn Mỹ

09:03, 18/03/2013
.

(QNg)- Ở trước cánh cửa dẫn vào phòng trưng bày Khu chứng tích Sơn Mỹ, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) có hai cuốn sổ lưu niệm  được đặt ngay ngắn trên một kệ bàn nhỏ. Nơi ấy dành cho những đoàn khách tham quan trong nước và quốc tế ghi lại những cảm nghĩ, tâm tư của mình khi thăm khu chứng tích.

TIN LIÊN QUAN


45 năm trước, nơi đây từng xảy ra một vụ thảm sát kinh hoàng, để lại cho mảnh đất khô cằn, nghèo khó nhưng giàu lòng yêu nước, yêu tự do, yêu hòa bình một nỗi đau khôn nguôi.

Những cuốn sổ lưu niệm được lưu giữ cẩn trọng tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.
Những cuốn sổ lưu niệm được lưu giữ cẩn trọng tại Khu chứng tích Sơn Mỹ.


45 năm sau, cuộc chiến đã qua đi, vết thương đã lành da, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Cuốn sổ lưu niệm  ở Khu chứng tích Sơn Mỹ đã nói lên điều đó! Ông Phạm Thành Công, Giám đốc Ban quản lý Khu chứng tích Sơn Mỹ, cho biết: Kể từ ngày thành lập Khu chứng tích Sơn Mỹ đến nay, trung bình mỗi năm có ba cuốn sổ lưu niệm được lưu lại. Khách đến đây đều trải lòng mình bằng những dòng lưu bút, những chia sẻ đầy ý nghĩa. “Người Việt thì mạnh mẽ lên án, phản đối tội ác của quân đội Mỹ đã gây đau thương cho mảnh đất này nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung. Khách quốc tế nguyền rủa tội ác của quân đội Mỹ ngày đó. Còn với những vị nguyên thủ quốc gia thì dặn dò, chia sẻ cùng nhau hướng đến hòa bình, tự do, hướng thế hệ mai sau phải giữ gìn di tích để giáo dục con cháu biết và bảo vệ hòa bình, bảo vệ độc lập tự do” – ông Công nói.

Những trang lưu niệm cách đây gần 40 năm nay đã ố màu thời gian nhưng vẫn nguyên một giá trị sâu sắc, những lời động viên chia sẻ thắp sáng một niềm tin mới vào một tương lai mới cho người dân nơi đây. Không chỉ có người lớn, những cựu binh Mỹ, kẻ trực tiếp gây ra đau thương cho người dân nơi đây viết những dòng sám hối mà còn có những chia sẻ của các em học sinh: “Thật tàn bạo và ghê tởm, nhưng quá khứ đã qua và hãy khép lại, cùng nhau hướng về một tương lai mới tốt đẹp hơn” – em Nguyễn Bảo Huyền, lớp 5 Trường tiểu học Hồ Tùng Mậu, thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh thể hiện cảm nghĩ của mình trong sổ lưu niệm năm 1995.

Còn anh Andy Cibbs (quốc tịch Úc) đã thổ lộ lòng mình trong cuốn sổ lưu niệm năm 2010: “Khu chứng tích Sơn Mỹ là nơi mà tất cả mọi người nên suy ngẫm, đừng bao giờ thế giới để xảy ra một Sơn Mỹ thứ hai”. Quá khứ đau thương đã dần lùi xa, người dân Sơn Mỹ cũng đã tha thứ cho những tội ác của lính  Mỹ gây ra. Những người Mỹ từng tham chiến hay con cháu họ từng đến với Sơn Mỹ thì không ngớt lời xin lỗi.

Cuộc chiến nào rồi cũng để lại vô ngần những đau thương, mất mát. Do vậy, một đất nước hoà bình, thịnh vượng luôn là mong ước không chỉ của người dân Việt Nam mà còn là của cả dân tộc yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Và như lời của Tổng Bí thư Trường Chinh khi đến thăm Sơn Mỹ vào ngày 8/1/1985 viết: “Vụ thảm sát Sơn Mỹ chứng tỏ rằng không một sức mạnh tàn bạo nào có thể khuất phục một dân tộc đoàn kết, chiến đấu, quyết tâm giành độc lập, tự do...”.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 


.