Văn hóa Quảng Ngãi: Xuyên suốt một dòng chảy

12:10, 21/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Văn hóa Quảng Ngãi như một mạch nguồn được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nét đẹp tinh túy của hồn quê sông núi, của người dân vốn chân chất hiền hòa in đậm trong tâm thức và hành động của các cộng đồng dân cư.

TIN LIÊN QUAN

Khi đặt chân đến Quảng Ngãi, nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa hàng đầu trên thế giới thốt lên rằng, đây là mảnh đất “giàu có” về văn hóa. Nhìn từ nguồn cội văn hóa xa xưa cho đến hiện tại, văn hóa ở Quảng Ngãi khá đa dạng và đặc sắc.

Từ sự “giàu có” về văn hóa

Nền văn hóa xa xưa nhất trên đất Quảng Ngãi được biết đến là văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là một trong ba nền văn hóa lớn của nước Việt. Trải qua dòng chảy hơn 2.000 năm, những di vật của nền văn hóa Sa Huỳnh vẫn được lưu giữ, bảo tồn. Sở VH-TT&DL đang triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích khảo cổ Sa Huỳnh tại xã Phổ Thạnh (Đức Phổ), nơi thực hiện cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh. Ông Cao Văn Chư-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh đã xây dựng hoàn thành. Sở đang hoàn chỉnh việc thiết kế nội dung trưng bày và sẽ cố gắng để sớm giới thiệu đến khách tham quan, qua đó phát huy mạnh mẽ tài sản vô giá về văn hóa ở Quảng Ngãi.

Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu về các hiện vật văn hóa được phát hiện và khai quật tại Quảng Ngãi.                   ảnh: P.LÝ
Cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu về các hiện vật văn hóa được phát hiện và khai quật tại Quảng Ngãi. ảnh: P.LÝ


 Cùng với văn hóa Sa Huỳnh, mảnh đất Quảng Ngãi là nơi giao thoa, hòa hợp mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, tiêu biểu là văn hóa Chămpa với nhiều di tích còn vẹn nguyên giá trị. Toàn tỉnh hiện có 30 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và hơn 180 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh được chú trọng. Đặc biệt, ngay trong chính cộng đồng các dân tộc sinh sống ở Quảng Ngãi, qua nhiều thế hệ, nay vẫn còn lưu giữ bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình.

Không nhớ tự bao giờ, chỉ biết rằng trẻ con dân tộc Cor khi lớn lên theo cha, theo ông đi đánh chiêng, đấu chiêng, dần dà tiếng chiêng như thấm vào máu thịt. “Giữ hồn chiêng là giữ hồn dân tộc Cor, thế nên Huyện ủy, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo thực hiện đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Cor, trong đó chú trọng truyền dạy nghệ thuật đấu chiêng cho thế hệ trẻ”, ông Hồ Văn Thịnh-Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng phấn khởi nói. Theo ông Thịnh, nhờ có cồng chiêng mà đồng bào Cor thêm gắn bó, tạo thuận lợi để xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế.

Tại ngôi nhà của ông Hồ Ngọc Hoàng (97 tuổi) ở thôn 2, xã Trà Thủy (Trà Bồng), âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng cất lên như niềm kiêu hãnh, tự hào về nét đẹp văn hóa của dân tộc Cor. Cha con ông Hồ Ngọc Hoàng đã truyền dạy nghệ thuật đấu chiêng cho nhiều con em đồng bào Cor. Ông Hồ Ngọc An (60 tuổi, con của ông Hồ Ngọc Hoàng) cười nói: “Lớp trẻ ở đây biết đấu chiêng nhiều lắm, khu dân cư nào cũng có đội nghệ thuật cồng chiêng. Nghệ thuật đấu chiêng của người Cor rất đặc biệt, thế nên đi trong Nam, ngoài Bắc, ra cả nước ngoài, ai cũng thích”.

Nền kinh tế thị trường dưới những tác động tiêu cực, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, song trong tâm thức của người dân xứ Quảng, nét đẹp tinh túy của hồn quê sông núi vẫn được lưu truyền. Xuôi về xã Bình Thuận (Bình Sơn), chúng tôi lại được nghe làn điệu da diết, thâm thúy qua từng câu chữ của nghệ thuật hát bả trạo. Dọc miền ven biển, làn điệu hát sắc bùa cũng được ngân lên, rồi đến nghệ thuật hát bài chòi, hát hố vẫn được ca vang vào mỗi mùa lễ hội...

Động lực của sự phát triển

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã nhận định tuy vẫn còn những hạn chế, song với sự quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp nâng cao đáng kể đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn dân đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Đấu chiêng của đồng bào dân tộc Cor.                                                  Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu
Đấu chiêng của đồng bào dân tộc Cor. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu


Cống hiến gần như trọn cuộc đời cho cách mạng, giờ đây khi đã 89 tuổi, ông Nguyễn Sỏi ở thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương (Bình Sơn) vẫn đi đầu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ông đã chủ trương xây dựng tủ sách lưu động, mô hình thu gom rác thải và đóng góp hơn 20 triệu đồng để xây dựng sân thể thao của thôn. Mỗi dịp Tết, ông vận động con cháu tặng hàng chục suất quà cho hộ nghèo và mỗi năm đều trích tiền lương hưu ít ỏi để tặng quà cho giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc. “Tôi theo Đảng, theo Bác Hồ cũng là để góp sức mình xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.

Dân tộc ta có truyền thống yêu nước, thương nòi”, ông Sỏi trải lòng. Thế đấy, từ những con người như ông Sỏi đã nhân rộng gương người tốt, việc tốt, nhân rộng giá trị nhân văn sâu sắc trong cộng đồng, phấn đấu đạt danh hiệu văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 85% gia đình đạt danh hiệu văn hóa; 75% thôn, tổ dân phố văn hóa; 95% cơ quan, đơn vị văn hóa.

Nối mạch chủ trương của Đảng về phát triển ngành văn hóa, hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành nghị quyết về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33). Tỉnh ủy cũng đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 33. Mục tiêu đặt ra là xây dựng văn hóa, con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ, nhân văn, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học...

Văn hóa là sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân tộc. Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, mạch nguồn văn hóa của Quảng Ngãi vẫn mãi ăn sâu trong tâm thức của người dân và phát huy thành sức mạnh để xây dựng quê hương giàu đẹp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

MINH ANH

 


.