Ba Tơ kết nối tour du lịch

02:10, 30/10/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tuần tháng 10 vừa qua, Bảo tàng Ba Tơ đã giới thiệu chương trình “kết nối tour du lịch Ba Tơ”, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Ba Tơ đến với du khách.

TIN LIÊN QUAN

Ông Bùi Đình Ngôn – Giám đốc Bảo tàng Ba Tơ là người gắn bó với công tác bảo tàng nhiều năm nay nên hiểu giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào Hrê. Vì thế, ông đã kiến nghị Sở VHTT&DL tỉnh phối hợp cùng huyện xây dựng tour du lịch lên phía tây nam của tỉnh. Cùng cộng sự, ông Ngôn đã bỏ công sức trong nhiều tháng trời để xây dựng chương trình, lấy ý kiến của những cán bộ chuyên ngành, mời các công ty du lịch đến tham quan, đóng góp ý kiến.

 Du khách thưởng thức món rượu cần Hrê.
Du khách thưởng thức món rượu cần Hrê.


Điểm đầu tiên du khách đến thăm Ba Tơ là tham quan và thắp hương dưới chân tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ. Sau đó, du khách được hướng dẫn viên đưa đi tham quan Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ. Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ 11.3.1945, thông qua những hình ảnh tư liệu, hiện vật. Du khách còn được giới thiệu về ý tưởng kiến trúc nhà Bảo tàng, là lối kiến trúc của đồng bào Hrê. Tiếp đó, du khách sẽ đến thăm gian hàng thổ cẩm, mây tre đan của địa phương. Qua đường nét dệt nên tấm thổ cẩm, hay những chiếc gùi, chiếc rá, rổ làm bằng mây, bằng tre... du khách sẽ thấy rõ sự khéo léo của đồng bào Hrê trên quê hương Ba Tơ Anh hùng.
 

“Trước mắt, Ba Tơ sẽ tập trung hình thành tour nội vùng. Đầu tư cho 12 nghệ nhân thực hiện tốt các khâu dệt thổ cẩm, nấu ăn, hát múa, đánh cồng chiêng, túc chinh và cả đánh đàn Vrooc để phục vụ du khách trong mùa xuân đến”, Ông Bùi Đình Ngôn.

Để du khách hòa nhập với cộng đồng, Bảo tàng Ba Tơ còn đưa ra ý tưởng để du khách mặc trang phục truyền thống của đồng bào khi tham quan nhà sàn, tiếp xúc, nghe kể chuyện về truyền thống, nghi lễ vòng đời của đồng bào Hrê, như sinh đẻ, cưới hỏi, ma chay…

Cũng trong khuôn viên Bảo tàng này, du khách còn cảm nhận được cả một không gian sinh sống của đồng bào Hrê được thu nhỏ. Tại đây, Bảo tàng Ba Tơ đã dựng lại nguyên bản ngôi nhà sàn của đồng bào, bên cạnh thác nước, con suối và lũy tre làng. Bước lên bậc thang nhà sàn, du khách sẽ được xem các nghệ nhân dệt thổ cẩm, được nghe các chị, các mí giới thiệu về chất liệu, màu sắc, ý nghĩa của những hoa văn trên tấm thổ cẩm của đồng bào.

Hòa vào tour du lịch, du khách sẽ “mục sở thị” cảnh chế biến các món đặc sản của người Hrê. Các chị, các mí lại tất bật nhóm lửa, rửa rau để nấu những món ăn dân dã của đồng bào. Chừng khoảng 30 phút du khách sẽ được thưởng thức các món ăn thịt trâu nấu lá xưng, lá lốt, cá niêng nướng, nấu ngọt, gà Hrê nướng, rau dớn xào, luộc… Những món đặc sản đậm hương vị núi rừng cộng với rượu cần sẽ cuốn hút nhiều du khách khi đến đây.

Trước khi thưởng thức các món ẩm thực, du khách còn được xem các nghệ nhân trình diễn văn hóa phi vật thể, như hát ta lêu đệm nhạc cụ dân tộc, xem tấu chiêng ba và múa theo điệu dân gian... Nếu du khách ở lại qua đêm sẽ được xem chương trình đốt lửa trại, thưởng thức các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa của người Hrê. Trong ánh lửa bập bùng, các đôi nam nữ cùng nhau hát múa trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng đàn, làm rộn vang rừng núi…

Ông Phan Long – Giám đốc Công ty Vietravel Quảng Ngãi, chia sẻ: Muốn tour du lịch này hoạt động hiệu quả, cần phải phân khúc thị trường, phân khúc khách hàng; đồng thời tách bạch hai vấn đề, tham quan di tích và xem các nghệ nhân trình diễn riêng biệt. Bên cạnh đó, Bảo tàng Ba Tơ cũng nên mạnh dạn chia ra nhiều tour du lịch, như tua nội vùng (phục vụ du khách tham quan di tích, văn hóa đồng bào trong địa bàn Ba Tơ) và tour liên kết với ngoài vùng (kết nối tour tham quan di tích lịch sử Ba Tơ với các điểm di tích Bờ Y, Măng Đen, tỉnh Kon Tum). Về phía nghệ nhân cũng cần được đầu tư để trình diễn có hồn, gợi được cảm xúc trong lòng du khách.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.