Khu di tích khởi nghĩa Ba Tơ- Xứng tầm là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

01:10, 25/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đã được công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia từ năm 1980, nhưng với tầm vóc to lớn của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, UBND tỉnh đã lập hồ sơ trình Trung ương công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

TIN LIÊN QUAN

Mốc son chói lọi trong lịch sử

Trong những ngày này, Ba Tơ chuẩn bị lễ kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng (30.10.1972 - 30.10.2014) và tiến đến kỷ niệm 70 năm ngày khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945 - 11.3.2015). Các di tích lịch sử đã được tôn tạo, nâng cấp trở nên tươi tắn giữa đại ngàn.

 Cách đây 70 năm, cũng trong mùa đông giá lạnh, tại di tích Lò Gạch gần Suối Năng, thị trấn Ba Tơ (tháng 12.1944), Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được thành lập. Sau đó, trước tình thế Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), trong đêm 10.3.1945, Tỉnh ủy lâm thời đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại nhà đồng chí Trần Quý Hai và quyết định chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từng phần trong toàn tỉnh, trước hết là ở Ba Tơ. Tại chòi canh Suối Loa vào trưa ngày 11.3.1945, Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định giành chính quyền tại châu lỵ Ba Tơ ngay trong đêm 11.3.1945, thành lập Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa và phân công nhiệm vụ cho các bộ phận tập trung chuẩn bị khởi nghĩa.  

Di tích chiến khu Nước Lá xã Ba Vinh.
Di tích chiến khu Nước Lá xã Ba Vinh.


 Chiều ngày 11.3.1945, đội võ trang khởi nghĩa do đồng chí Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách chỉ huy và được sự hỗ trợ của đông đảo đồng bào Kinh – Thượng  trong huyện đã chiếm Nha Kiểm lý và Đồn Ba Tơ, bắt sống tên kiểm lý Bùi Danh Ngũ cùng bọn nha lại và 28 lính khố xanh.

Sáng 12.3.1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động Ba Tơ, UBND cách mạng lâm thời huyện Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ chính thức ra mắt trước đông đảo quần chúng nhân dân. Bắt đầu từ đây, UBND cách mạng Ba Tơ tuyên bố xóa bỏ bộ máy thống trị của thực dân phong kiến, thành lập chính quyền nhân dân cách mạng huyện Ba Tơ. Ra đời còn non trẻ, ngày 14.3.1945, tại bãi Hang Én, đội du kích Ba Tơ đã tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc”. Lời thề đó trở thành động lực chiến đấu và chiến thắng của bao lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Ngãi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Sau đó, Đội du kích Ba Tơ lùi về vùng Cơ Nhất thuộc núi Cao Muôn xây dựng chiến khu. Đội du kích Ba Tơ từ 28 chiến sĩ dưới sự chỉ huy của đội trưởng Phạm Kiệt và chính trị viên Nguyễn Đôn đã chuyển về đồng bằng xây dựng căn cứ tại Vĩnh Sơn và Núi Lớn, nhanh chóng phát triển thành hai đại đội Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám. Lực lượng dần lớn mạnh xuất kích đánh Nhật lập nên các chiến công vang dội như: Di Lăng, Xuân Phổ, Mỏ Cày, góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền ở Quảng Ngãi, một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Trong 7 di tích liên quan trực tiếp đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, thì trong đó có 1 điểm di tích chòi canh Suối Loa nằm ở xã Ba Động, còn lại ở thị trấn Ba Tơ. Ngoài ra còn có 9 điểm di tích như núi Cao Muôn, khúc sông Liêng… ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh và những chiến công của Đội Du kích Ba Tơ.  

Cũng từ Đội Du kích Ba Tơ, nhiều đồng chí qua đấu tranh cách mạng đã trở thành các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và trong Quân đội Nhân dân Việt Nam Anh hùng, như Trung tướng Phạm Kiệt, Nguyễn Đôn, Nguyễn Chánh, Trần Quý Hai, thiếu tướng Võ Thứ...

Trân trọng giá trị di tích

 Ngày 10.7.1980, Bộ Văn hóa- Thông tin đã có Quyết định số 92/QĐ- VHTT công nhận Khu di tích khởi nghĩa Ba Tơ là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 1982, di tích khởi nghĩa Ba Tơ được đầu tư kinh phí để tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các địa điểm liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội Du kích Ba Tơ. Địa điểm di tích sân vận động và di tích đồn Ba Tơ được chọn làm trọng điểm bảo tồn không gian của di tích gốc, kết hợp với xây dựng nhà trưng bày bổ sung giới thiệu về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ.

Đoàn thanh niên Khối các cơ quan tỉnh tham quan, chụp hình lưu niệm tại nơi Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc”.
Đoàn thanh niên Khối các cơ quan tỉnh tham quan, chụp hình lưu niệm tại nơi Đội du kích Ba Tơ tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc”.


Không gian tôn tạo khu di tích khá rộng lớn trên 12.800m2, được phân thành các khu: Đài tưởng niệm, nhà trưng bày bổ sung, nhà tiếp khách, khu vực trồng cây ăn quả, còn lại là khu vực cây xanh, đường đi bộ và thảm cỏ. Tại nhà trưng bày, ngành bảo tàng đã sưu tầm trưng bày gần 150 hiện vật và những tài liệu liên quan đến đất và người Ba Tơ, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và hoạt động của Đội du kích Ba Tơ.

 Khuôn viên Khu di tích ngày càng mở rộng, tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ cũng được đầu tư xây dựng mới thay thế cho tượng đài cũ. Tại sân vận động, Quân khu 5 đã đầu tư kinh phí xây dựng biểu tượng phù điêu, nơi thành lập đội du kích Ba Tơ và bia tưởng nhớ nơi thành lập Tiểu đoàn 19. Ngoài ra, các di tích Lò Gạch, Sông Liêng, Nha Kiểm lý, bãi Hang Én, nhà đồng chí Trần Quý Hai, chòi canh Suối Loa đã được phục dựng lại theo nguyên gốc. Các di tích khác cũng đã dựng bia ghi dấu sự kiện lịch sử.

Năm 2010, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho Đội du kích Ba Tơ. Tháng 8.2013, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận 5 xã và thị trấn Ba Tơ thuộc vùng An toàn khu của Trung ương ở Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Pháp.

Với giá trị lịch sử tiêu biểu, giá trị tiên phong của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, cũng như vai trò, công lao và những cống hiến to lớn của Đội du kích Ba Tơ, ngày 29.9.2014 huyện Ba Tơ đã đề nghị UBND tỉnh lập hồ sơ trình Trung ương công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt. Bởi đó là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Tơ cũng như tỉnh Quảng Ngãi, để xứng tầm lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích Ba Tơ huyền thoại.

Bài, ảnh: MAI HẠ

 


.