Gìn giữ nét đẹp văn hóa cồng chiêng

09:07, 14/07/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đối với đồng bào Hrê ở xã Ba Nam (Ba Tơ), trong các buổi sinh hoạt cộng đồng như: Cúng, Tết cổ truyền, đâm trâu, đám cưới, các chàng trai, cụ già Hrê đều lấy chiêng ra đánh. Tiếng chiêng đã đi vào máu thịt của đồng bào Hrê ở Ba Nam từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả đến cuối cuộc đời...

TIN LIÊN QUAN

Để tiếng chiêng mãi ngân vang

Thấy chúng tôi ngắm nhìn chiếc chiêng để trên nóc tủ, anh Phạm Văn Náy, cán bộ Văn phòng - thống kê xã Ba Nam cho biết, hiện nay hầu hết thanh niên trong xã đều biết đánh chiêng. Riêng cán bộ xã có nhiều người đánh chiêng rất hay. Vừa nói dứt lời, anh Náy liền lấy chiếc chiêng 3 xuống biểu diễn cho chúng tôi xem. Tiếng chiêng ngân vang như mời gọi này tưởng chừng đã bị rơi vào quên lãng, nhưng nay đã được những người con của Ba Nam làm sống dậy.

Anh Phạm Văn Náy biểu diễn cồng chiêng cho du khách xem.
Anh Phạm Văn Náy biểu diễn cồng chiêng cho du khách xem.


Kể từ khi đội cồng chiêng, đội văn nghệ của xã được thành lập, những câu hát, những điệu múa và đặc biệt là những tiếng chiêng của ông cha lại vang lên như thay lời cảm ơn ông bà tổ tiên, giáo dục con cháu biết quý trọng giá trị văn hóa dân tộc Hrê của họ. Điều đáng quý là, các nghệ nhân ở Ba Nam đã đem tiếng chiêng truyền thống cùng với những điệu múa mượt mà của dân tộc Hrê đi giao lưu  tại các tỉnh, thành trong cả nước với các dân tộc anh em khác, để quảng bá hình ảnh của dân tộc mình, với những nét đặc trưng riêng.

Anh Phạm Văn Trời, một “nghệ nhân” ở thôn Xà Râu cho biết: Chúng tôi mong muốn khôi phục lại nét văn hóa ngày xưa, giữ gìn tiếng chiêng, tiếng hát, điệu múa, trang phục Hrê để sau này truyền lại cho con cháu. Lúc nông nhàn, không bận việc nương rẫy ngồi uống rượu cần, thanh niên và các cụ già thường cùng những người bạn ngồi bên ché rượu cần gửi lời tâm sự qua những bài chiêng như để nhớ lại những kỷ niệm xưa, ôn lại những bài chiêng truyền thống và truyền dạy cho con cháu. Vì thế, đối với đồng bào Hrê, tiếng chiêng như là cầu nối giữa con người với các vị thần, như lời kể than hay mừng vui của đồng bào Hrê đến các vị thần và cầu mong các vị thần che chắn. Tiếng chiêng rất quý và gần gũi với đồng bào Hrê nên nhiều thế hệ người Hrê đã lưu truyền và gìn giữ tiếng chiêng để tiếng chiêng trở thành nét văn hóa đặc sắc, tinh tế của đồng bào Hrê...

Luôn chảy trong huyết quản

Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nam Phạm Văn Á cho biết: Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác, đồng bào Hrê ở Ba Nam cũng có những nhạc cụ riêng của mình để sử dụng trong các lễ hội, hay mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đó là dàn chiêng ba, chiêng năm... Khi tiếng chiêng ngân lên, cũng là lúc cả làng rộn ràng với các điệu múa Ta-lêu, Ca-choi, H’mon... Mặt khác, chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản đặc biệt quý giá của các gia đình và cộng đồng người Hrê ở Ba Nam. Những bộ chiêng có âm thanh chuẩn được gìn giữ cẩn thận và truyền lại càng lâu đời càng có giá trị cao, thậm chí là vô giá. Người Hrê quan niệm rằng, chiêng cũng có linh hồn như con người, những bộ chiêng quý, chiêng hay là những bộ chiêng đã được sự che chở của Giàng. “Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Hrê luôn được Đảng bộ, chính quyền xã quan tâm. Xã thành lập đội cồng chiêng để đi giao lưu, quảng bá hình ảnh và đã đạt được những kết quả tốt. Đến nay, nhân dân trong xã gìn giữ được 345 bộ chiêng ba, chiêng năm”, ông Phạm Văn Á cho biết thêm.

Cũng theo ông Á, thế hệ đi trước dẫn đường, người trẻ đi sau “tiếp lửa”, ấy thế nên thứ âm thanh của nguồn cội vẫn còn vang lên đầy sức sống qua những đôi bàn tay khéo léo của các “nghệ nhân” tuổi đôi mươi. Tiếng chiêng luôn gắn kết chặt chẽ với vòng đời của họ... nó đã trở thành dòng máu chảy trong huyết quản mọi người. Từ đó đã kết tinh thành các giá trị văn hóa mang bản sắc riêng của người Hrê.

Trước khi rời Ba Nam, chúng tôi được Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Á mời gọi: “Nếu anh lên Ba Nam vào dịp Tết Ngã rạ mừng mùa lúa mới, anh sẽ hiểu hơn nét độc đáo và niềm say mê khi nghe những thanh niên, thanh nữ gõ túc chinh (chiêng). Đặc biệt là sau khi cúng thần linh, những hũ rượu cần được bày ra thơm phức... dân làng cùng nhau ăn uống. Sau đó, cánh thanh niên, thanh nữ gõ túc chinh và nhảy múa. Lúc này, tiếng chiêng vang ngân đến tận rừng sâu... anh sẽ hiểu thêm nét đẹp văn hóa cồng chiêng của người Hrê ở Ba Nam”.

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.