(Báo Quảng Ngãi)- Dù nghề bán sách cũ không còn hưng thịnh, song vẫn có không ít người lặng lẽ gắn bó. Bên góc đường, ngõ phố; họ âm thầm bảo quản, chia sẻ những trang sách úa màu thời gian.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Không bảng hiệu quảng cáo, không bày trí tinh tươm là đặc trưng của những hiệu sách cũ, tồn tại trong không gian đơn sơ, chật hẹp. Ở đó, người mua có thể lựa cho mình vài cuốn sách còn mới cứng chỉ với mấy chục ngàn đồng. Và cũng có thể tìm thấy những cuốn sách cũ mềm có giá lên đến hàng trăm hay thậm chí là hàng triệu đồng.
Mưu sinh với sách cũ
Nép mình bên ngã tư đường Phan Đình Phùng- Hùng Vương (TP. Quảng Ngãi), tiệm sách cũ của chị Lê Thụy Lành chỉ đơn sơ với dăm chiếc bàn và vài kệ sách. Nhưng không vì vậy mà người mua phải “thất vọng” với lượng sách ở đây. Từ sách nghiên cứu, sách văn học, lịch sử, tiểu thuyết, từ điển đến những bộ sách in trước năm 1975, sách thời bao cấp...
Khách nhỏ tuổi tìm mua sách cũ. |
Vì vậy nên những người Quảng Ngãi đam mê và sưu tầm sách cũ đều biết đến tiệm sách này. Chị Lành cho biết đã bán sách cũ hơn 12 năm. Lúc đầu chị đến với nghề chỉ vì mưu sinh, nhưng nay đã gắn bó với sách như bữa ăn, giấc ngủ. 12 năm qua, mặc cho mưa nắng, cứ đi qua đoạn đường này người ta lại thấy chị ngồi lặng lẽ bên những chồng sách cao ngút. Mỗi cuốn sách mua về đều được chị Lành phân loại, bao bọc và sắp xếp cẩn thận rồi mới đến tay người mua. “Sách cũng có cuộc đời của nó. Nhất là sách cũ, là tài sản của người xưa. Do đó những ai hiểu được giá trị của nó sẽ càng biết bảo quản và trân trọng”, chị Lành chia sẻ.
Còn ở tiệm sách cũ số 79 Nguyễn Tự Tân (TP. Quảng Ngãi) của cô Hồng Tố Phương lại là địa chỉ quen thuộc của nhiều phụ huynh, học sinh. Gia đình cô Phương mở tiệm sách này từ năm 2004, khi mà sách cũ vẫn còn rất “thịnh”. Cô Phương cho biết: “Vì con gái út của cô rất mê đọc sách, nên gia đình mới quyết định mở tiệm sách cũ cho cô buôn bán, và cũng để thỏa mãn nhu cầu đọc sách của con.
Đến nay, không chỉ 3 người con mà nhiều đứa cháu của cô cũng lớn lên và thành đạt nhờ vào tiệm sách này”. Những ngày đầu, tiệm sách của cô Phương chỉ có vài trăm cuốn. Sau 10 năm gầy dựng, đến nay tiệm đã có hàng ngàn đầu sách. Trong đó chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo cũ. Nhiều sách là vậy, nhưng khách cần tìm cuốn nào, cô đều nhớ rõ vị trí. Cô Phương chia sẻ: “Bán sách cũ không chỉ là có sách gì bán sách đó mà mình còn tìm hiểu sách nào hay, sách nào có giá trị để giới thiệu cho khách. Tuy là sách cũ nhưng kiến thức không cũ, cách trình bày lại tỉ mỉ, cụ thể nên nhiều người vẫn thích hơn sách mới”.
Gắn bó vì đam mê
Để có được nguồn hàng, những người bán sách cũ như chị Lành, cô Phương đều phải lang thang nhiều ngày ở những con đường sách cũ trong TP.HCM. Chị Lành cho biết, cứ 2 tháng chị lại đi TP.HCM “lùng sục” sách một lần. Nếu có nhà sách nào thanh lý thì có được nguồn hàng lớn. Còn không thì “gắn bó” với các hàng ve chai, thỉnh thoảng cũng “chắt lọc” được những cuốn sách quý đã rách bìa, sờn gáy, xuất bản cách đây hàng chục năm. “Lặn lội tìm sách, rồi đọc để hiểu, để bảo quản nó tốt hơn. Dần dần, niềm đam mê sách nó thấm vào mình lúc nào không hay. Giờ sách cũ ngày càng khan hiếm nên mỗi khi tìm được một cuốn sách quý, mình lại càng trân trọng, thấy nó như vô giá, nhiều lúc không muốn bán đi”, chị Lành chia sẻ.
Tuy không nhộn nhịp như những nhà sách hiện đại, nhưng những tiệm sách cũ vẫn là địa điểm quen thuộc của nhiều người. Khách mua sách cũ của chị Lành rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên, nhà văn, bác sĩ… đến cả khách Việt kiều, khách du lịch ở những tỉnh khác. Với những khách quen, chị đều thuộc làu loại sách khách hay mua. Cô Phương cho biết: “Có những phụ huynh cứ đầu năm học là ghé mua sách cũ cho con. Hết đứa lớn đến đứa nhỏ, đến khi con cái vào đại học hết mới không thấy ghé mua sách nữa”.
Chị Lành chia sẻ, những năm gần đây, buôn bán sách cũ không còn dễ dàng như trước, vì nguồn sách đã cạn dần và nhu cầu đọc sách in cũng ít lại. Do đó nhiều người đã phải chuyển nghề. Nhưng đối với chị, bán sách cũ không chỉ để nuôi sống gia đình mà còn vì bản thân có niềm đam mê với sách. Vì vậy, chị Lành không chỉ muốn gắn bó đời mình với nó mà còn định hướng cho con mình nối tiếp nghề của mẹ. Những người bán sách cũ như cô Phương, chị Lành đều đến với nghề như một cơ duyên. Nhưng cuối cùng, họ chọn ở lại với sách cũ vì trân trọng những trang giấy úa màu. Họ giữ nghề như minh chứng về những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc.
Bài, ảnh: Hà Xuyên