Học "chay" để chờ sách

10:09, 18/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Năm học 2014-2015, 5 trường tiểu học ở huyện Sơn Tịnh được hỗ trợ sách học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, dù đã qua 1 tháng của năm học mới, nhưng các em học sinh lớp 1 của 5 trường trên vẫn phải học “chay” vì sách chưa tới tay các em.
Việc học và dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục đang được thực hành thí điểm ở nhiều trường tiểu học của Quảng Ngãi. Trong đó, có 33 trường được hỗ trợ sách theo Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) và Chương trình tiểu học mới (VNEN). Đến nay, riêng 5 trường ở huyện Sơn Tịnh vẫn chưa nhận được cuốn sách hỗ trợ nào.
 
Cả thầy lẫn trò đều đợi sách
 
Có mặt một buổi học tiếng Việt của học sinh lớp 1, trường tiểu học số 1 Tịnh Phong, chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì cả thầy và trò đều lúng túng dạy và học theo kiểu “chay toàn tập”. Trên bàn học của các em, không hề có quyển sách tiếng Việt nào. Cứ đến giờ học môn này thì các em được dạy trên tinh thần “vừa học, vừa chơi”.
 
 “Theo chương trình học, đáng lẽ đến tuần thứ 4-5 thì các em phải được học âm đơn, vần đơn của môn tiếng Việt theo công nghệ giáo dục rồi. Nhưng vì chưa có sách, nên tôi chỉ biết cho các em làm quen bước đầu với các trò chơi- những điều đáng lẽ đã được tiếp cận ngay từ tuần 1-2”- cô giáo Đặng Thị Lý bộc bạch.

 

Thay vì học âm, vần theo đúng chương trình của môn tiếng việt theo công nghệ giáo dục, nhiều học sinh ở huyện Sơn Tịnh vẫn chỉ được hướng dẫn chơi các trò chơi làm quen
Thay vì học âm, vần theo đúng chương trình của môn tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, nhiều học sinh ở huyện Sơn Tịnh vẫn chỉ được hướng dẫn chơi các trò chơi làm quen.
 
 
Ông Nguyễn Xi- hiệu trưởng Trường tiểu học số 1 Tịnh Phong, Sơn Tịnh chia sẻ: “Giờ chúng tôi làm theo chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện là giáo viên dạy cho học sinh với tài liệu hỗ trợ là sách thiết kế đã được cung cấp vào đợt tập huấn trước đây. Không có sách, giáo viên dạy đã khó, học sinh học chay còn đâm ra chán và mất tập trung và không thể hình dung trọn vẹn bài học”.
 
Nói về nỗi khổ khi dạy chay và học chay thì giáo viên nào cũng phàn nàn. Theo họ, phương pháp học mới giúp khoảng cách giữa thầy và trò gần gũi nhau hơn. Đồng thời, thông qua những hình ảnh màu sắc và hình ảnh trực quan trong sách, các em học sinh sẽ tiếp thu hiệu quả hơn. Nhưng nay, vì không có sách, mọi ưu điểm của phương pháp mới đều không được chạm tới.
 
Phụ huynh lo lắng
 
Hiện nay, theo lịch học môn tiếng Việt, học sinh lớp 1 được dạy 10 tiết học chính quy và 4 tiếng học kèm vào mỗi tuần. Đến thời điểm này, dù đã trải qua hơn 50 tiết học tiếng Việt theo công nghệ giáo dục, nhưng 250 em học sinh ở huyện Sơn Tịnh vẫn chưa được dạy và hiểu đúng nghĩa môn tiếng Việt theo phương pháp mới. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với các em và khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng không yên.
 
Chia sẻ bức xúc với chúng tôi, chị Trần Thị H. có con đang học lớp 1 tại Trường tiểu học số 1 Tịnh Thọ cho hay: Đầu năm đi họp phụ huynh cho cháu, nhà trường thông báo là năm nay các cháu được học theo phương pháp mới và được hỗ trợ sách môn tiếng Việt. Nghĩ là đỡ được khoảng tiền kha khá vì nghe đâu bộ sách tiếng Việt có đến 6 cuốn với giá gần 200 nghìn đồng.

 

Trong khi đợi sách, giáo viên chỉ biết dựa vào quyển sách thiết kế môn để hướng dẫn cho các em
Trong khi đợi sách, giáo viên chỉ biết dựa vào quyển sách thiết kế môn để hướng dẫn cho các em
 
Nhưng kể từ bắt đầu vào năm học, đến giờ hơn 1 tháng mà vẫn không thấy sách thì chị H. lại đâm ra lo lắng xen lẫn bức xúc. “Mấy ngày đầu đi học về cháu còn khoe là được cô giáo chỉ cho trò chơi để phân biệt vị trí đồ vật rồi hỏi han chuyện gia đình. Nhưng qua đến tuần học thứ 4-5 rồi mà vẫn y như cũ thì cháu cũng tỏ ra chán nản”- chị H. băn khoăn.
 
Đây cũng là tâm lý chung của phụ huynh 250 học sinh đang phải học chay môn tiếng Việt theo phương pháp công nghệ giáo dục ở huyện Sơn Tịnh. Trước tình hình này, bà Dương Thị Thu Thủy-  Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh cho biết: Hiện có trường Tiểu học Tịnh Bắc,Tịnh Bình, Tịnh Thọ, Tịnh Thọ 2 và Tịnh Phong 1 được SEQAP và VNEN hỗ trợ sách nhưng vẫn chưa nhận được sách. Còn 6 trường khác cũng dạy tiếng Việt theo phương pháp mới nhưng không nằm trong diện hỗ trợ thì phụ huynh đã tự mua sách cho con em học. Việc không có sách ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến quá trình học của các em vì môn tiếng Việt được coi là môn học quan trọng nhất của học sinh lớp 1.
 
Năm nay, trong số 33 trường được hỗ trợ sách, huyện Sơn Tịnh được cấp 100% sách đầy đủ cho học sinh lớp 1 của 5 trường. 28 trường khác được hỗ trợ 64% tổng lượng sách. Tổng đầu sách cần hỗ trợ trong năm học này theo thông báo của chương trình SEQAP là hơn 2.000 đầu sách học sinh, 71 sách giáo viên và 49 đĩa DVD hỗ trợ giảng dạy.
 
Ông Đoàn Dụng- Giám đốc Sở GD&ĐT cương quyết: Nếu đến cuối tháng 9.2014, vẫn chưa có sách thuộc dự án về các trường thì Sở sẽ báo cáo lên Bộ GD&ĐT để Bộ có chỉ đạo kịp thời đối với Ban quản lý dự án các chương trình.
 
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.