Phong phú di sản văn hóa dưới nước ở Quảng Ngãi

03:10, 12/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Các chuyên gia khảo cổ học dưới nước vừa phát hiện nhiều mảnh gốm sứ xanh, trắng có niên đại từ thế kỷ XV-XVII cùng nhiều phiến đá cổ ở gần khu vực đảo Bé, huyện Lý Sơn. Nhận định ban đầu, đây có thể là vết tích của hai con tàu cổ từng chở vật liệu xây dựng và gốm sứ đã bị đắm.

 
Đó là những phiến đá cổ nằm ở độ sâu 4-10m, dưới rạn san hô và hàng chục thỏi đá tròn có dấu hiệu đã được gia công, bào nhẵn. Ghi nhận ban đầu, đây là đá sa thạch, một trong những vật liệu xây dựng phổ biến ở nhiều thế kỷ trước. Cùng với đó, nhiều mảnh gốm sứ có hình hoa dây độc đáo cũng được phát hiện, cách các phiến đá khoảng 700m.
 
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi cho biết: Căn cứ những hiện vật vừa được tìm thấy, vùng biển đảo Lý Sơn có dấu tích tàu cổ chìm. Bởi đây từng là điểm giao thương hàng hải với thế giới bên ngoài từ rất sớm.
 
Nói thêm về những vết tích mới phát hiện, thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm– Chuyên gia Khảo cổ học dưới nước, người trực tiếp tham gia khảo sát ở vùng biển Lý Sơn cho hay: Chúng tôi chưa có điều tra khảo sát kỹ lưỡng nên chưa biết hết các thông số của tàu cũng như giá trị của chúng. Tuy nhiên, nếu khảo sát kỹ cả vùng biển Lý Sơn thì chúng tôi sẽ có cơ hội tìm ra nhiều tàu hơn nữa.
 
Trước đó, liên tục từ năm 1996 đến 2007, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi và Viện Khảo cổ học Việt Nam mở nhiều đợt thăm dò đã ghi nhận dấu tích nhiều tàu cổ đắm ở quanh vùng biển Lý Sơn. Ngoài các cổ vật gốm sứ, nhiều vật dụng của thủy thủ đoàn được tìm thấy, trong đó có cả vòng kiềng đồng sản xuất ở Tây Ban Nha. 

 

Cùng với các mảnh gốm sứ, nhiều phiến đá cổ được tìm thấy, đã chứng tỏ đây là vết tích của hai con tàu cổ bị đắm trên vùng biển này
Cùng với các mảnh gốm sứ, nhiều phiến đá cổ được tìm thấy, đã chứng tỏ đây là vết tích của hai con tàu cổ bị đắm trên vùng biển này.
 
Theo quan điểm của nhiều chuyên gia khảo cổ, vùng biển Quảng Ngãi mà tập trung nhất là vùng biển Bình Sơn và Lý Sơn, thực sự là một “Nghĩa địa tàu cổ”. Từ năm 1999 đến nay, Quảng Ngãi đã phát hiện 10 tàu cổ có niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến XVIII bị đắm trên vùng biển này. Chúng đều phân bố tập trung trong phạm vi 24 km 2 và cách bờ biển từ 200-400m ở các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Cửa Đại, Sa Huỳnh và các vũng biển lớn như: Vũng Quýt Dung Quất, Việt Thanh, Vũng Tàu, đảo Lý Sơn.
 
Điều này chứng tỏ, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, vùng biển Quảng Ngãi nằm trên con đường giao thương buôn bán nhộn nhịp trên biển. Sự phát hiện này đã mở ra cho giới nghiên cứu lịch sử tàu thuyền, lịch sử thương mại ở Việt Nam và thế giới cơ hội nghiên cứu mới.
 
Tiến sĩ Nguyễn Việt - Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á, Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam nhận định: “Chưa có nơi nào trên thế giới phát hiện nhiều tàu cổ và mật độ phân bố dày đặc, tạo thành quần thể như ở Quảng Ngãi. Tiến hành nghiên cứu khảo cổ ở khu vực biển này sẽ giúp chúng ta có thể phát triển ngành khảo cổ học tàu thuyền Việt Nam”.

 

Việc khai thác phát triển tiềm năng di sản văn hóa ở Quảng Ngãi vẫn chưa được triển khai tương ứng.
Việc khai thác, phát triển tiềm năng di sản văn hóa ở Quảng Ngãi vẫn chưa được triển khai tương ứng.
 
Tuy nhiên, đến hiện tại, di sản văn hóa dưới nước ở Quảng Ngãi chưa được khai thác, phát triển tương ứng với tính đa đạng, phong phú của các di sản này. Ngoài việc triển khai khảo sát tổng thể các di tích văn hóa dưới nước, các cơ quan quản lý chưa chọn mô hình bảo tồn và phát triển những di sản độc đáo này. Việc tập trung một quần thể di tích văn hóa dưới nước như ở Quảng Ngãi là điều vô cùng hiếm với cơ hội khai thác tiềm năng du lịch và những nguồn lợi về kinh tế, văn hóa từ giá trị của các di sản này.
 
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ– Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Sau khi khảo sát và phát hiện ra những dấu tích của tàu cổ ở vùng biển Lý Sơn, chúng tôi vẫn chưa biết nên chọn phương án nào để bảo tồn. Có ý kiến cho rằng có thể gìn giữ xác tàu tại nơi đó như hiện vật sống. Cũng có ý kiến khuyên nên đưa xác tàu về bảo tàng để phục vụ nghiên cứu trưng bày tham quan du lịch. Hiện chúng tôi cũng chưa thống nhất và chờ đến hội thảo khảo cổ học sắp tới, các nhà khoa học tham mưu, giúp tìm một hướng đi phù hợp nhất.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.