TIN LIÊN QUAN |
---|
Vắng như… bảo tàng
Đến Bảo tàng Tổng hợp tỉnh vào một ngày đầu tuần, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi là hệ thống tường rào cổng ngõ đã và đang xuống cấp. Nhà đậu xe lác đác vài chiếc xe của nhân viên. Trong không gian sân vườn đã được tráng bê tông, rải rác vài hiện vật cũ kỹ, lọt thỏm giữa nền nhiệt oi bức. Khu trưng bày trong nhà cũng “buồn” không kém vì vắng khách tham quan. Theo người thuyết minh của bảo tàng, sự vắng vẻ này không chỉ diễn ra trong vài ngày, hay vài tuần, mà thậm chí là những tháng kéo dài. Bảo tàng chỉ mở cửa rồi đợi hết giờ là đóng cửa.
Khung cảnh vắng vẻ ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh |
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh được xây dựng mới và đi vào hoạt động năm 2007 với mục đích sưu tầm, lưu trữ và trưng bày các hiện vật phản ánh văn hóa, lịch sử và con người Quảng Ngãi. Theo đó, bảo tàng trưng bày các nội dung về thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên Quảng Ngãi; văn hóa Sa Huỳnh; văn hóa Chăm-Pa; văn hóa các dân tộc sinh sống ở Quảng Ngãi; Quảng Ngãi với việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa; lịch sử các phong trào trước khi có Đảng; Quảng Ngãi trong kháng chiến chống Pháp; chống Mỹ và xây dựng, phát triển hiện nay. Với khoảng 800 tư liệu hiện vật trưng bày theo phương thức cũ (hình ảnh treo lên tường, hiện vật sắp vào tủ kính), khu trưng bày trong nhà của bảo tàng khá đơn điệu. Phòng chiếu phim tư liệu cũng không sử dụng được vì thiếu tivi và ghế ngồi.
Từ ngày hoạt động đến nay, hầu như không có sự thay đổi nào đáng kể trong nội dung trưng bày và hiện vật trưng bày. Ông Nguyễn Văn Kiểm- Phó Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi, cho biết: “Trưng bày hiện vật cũ từ năm này qua năm khác là một trong những lý do khiến học sinh cũng như giáo viên không hứng thú với việc quay lại Bảo tàng”. Vì vậy, nên dù mở cửa thường xuyên và không bán vé, nhưng số đoàn khách tham quan, đặc biệt là học sinh đến bảo tàng ngày càng thưa thớt. Theo người thuyết minh của bảo tàng: “Rất ít trường trong tỉnh tổ chức cho học sinh đến bảo tàng. Những trường hay đến bảo tàng như THCS Nguyễn Nghiêm, Đại học Phạm Văn Đồng… cũng chỉ từ 1-2 lần/năm”.
Làm gì để đáp ứng nhu cầu công chúng
ông Đoàn Bích - nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh - người có 25 năm hoạt động trong ngành bảo tàng, cho rằng: Nguyên nhân chủ quan sâu xa nhất của thực trạng trên bắt nguồn từ quan niệm của người làm bảo tàng khác biệt với nhu cầu của công chúng.
Khu trưng bày trong nhà tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh luôn trong tình trạng vắng khách. |
Thực tế hiện nay, các cuộc trưng bày chuyên đề tại đây (1-2 lần/năm) đều thu hút rất đông khách tham quan. Lượng khách này thường chiếm hơn phân nửa tổng lượng khách mỗi năm của bảo tàng. Điều này cho thấy công chúng vẫn có nhu cầu thưởng thức những hiện vật mới mẻ, độc đáo, chuyên sâu. Trong khi đó, việc trưng bày ở đây chỉ có những hiện vật nghèo nàn, trình bày dàn trải, thiếu cô đọng, yếu trong công tác tuyên truyền. Ông Phan Đình Độ- Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: Mỗi năm, bảo tàng chỉ có kinh phí 400-500 triệu đồng để sưu tầm, bổ sung hiện vật. Do đó, chức năng sưu tầm bị hạn chế. Bên cạnh đó, khu trưng bày trong nhà có diện tích nhỏ nên chỉ trưng bày được 1/2 tổng số hiện vật bảo tàng có. Vẫn còn nhiều hiện vật lạ, quý được bảo tàng lưu trữ trong kho. Tuy nhiên, vì không có kinh phí để thay đổi nội dung và phương thức trưng bày nên những hiện vật đó chưa có dịp đến với công chúng.
Theo ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL: Trong bối cảnh hiện nay, để cuốn hút được công chúng đòi hỏi rất lớn ở sự chuyên nghiệp của người làm bảo tàng. Đó phải là những nhà nghiên cứu thực sự, có tầm và có tâm với hoạt động bảo tàng. Có như vậy mới sinh động hóa được những hiện vật vô tri, đánh thức được sự yêu thích của công chúng. Điều này đòi hỏi phải có thời gian và điều kiện nghiên cứu, học tập trong nhiều năm.