(Baoquangngai.vn)- Tết Trung thu 2013 tới gần cũng là lúc cơ sở làm đầu lân của ông Nguyễn Tô ở thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo đuổi nghề làm lân đã hơn 40 năm nay, ông Tô là một trong những người gửi trọn niềm say mê, niềm vui sống với nghề.
Hơn 40 năm giữ nghề
Đến nhà ông Tô những ngày cận kề Tết Trung thu mới cảm nhận hết cái tất bật của những người làm nghề đầu lân, ông địa. Trong không gian chật hẹp của căn phòng chưa đầy 15m2, ông Tô và các con, cháu như lọt thỏm giữa những chiếc đầu lân, mặt nạ.
Dù đã 75 tuổi và trải qua 2 năm liền nằm một chỗ vì bị tai biến, nhưng niềm đam mê nghề trong tâm hồn người nghệ nhân này vẫn không hề giảm.
Tỉ mỉ phun sơn cho một đầu lân, ông Tô kể lại: Thu Xà trước kia vốn là khu phố cổ buôn bán sầm uất, tấp nập. Dọc hai bên sông Đào là phố xá, nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa nên nghề làm lân sư rồng rất phát triển. Hồi còn nhỏ, ông thường theo các bậc đàn anh trong thôn, xóm đi múa lân nhân dịp tết Trung thu hay tết Nguyên đán.
Ông Nguyễn Tô- nghệ nhân làm lân sư rồng. |
Khi cửa biển hẹp dần, sông bị bồi lấp, dòng người Hoa di cư nên nghề làm đầu lân ở đây cũng dần dần bị mai một. Thế nên tôi nảy ý định nhờ một số người Hoa còn sinh sống ở đây dạy cho cách làm đầu lân. Ngày nào tôi cũng mày mò làm và không lâu sau tôi đã có thể tự làm một chiếc đầu lân hoàn chỉnh và được nhiều người khen ngợi. Vậy là từ đó, cứ vào mùa Trung thu tôi lại sống bằng nghề này.
Phục vụ mùa Trung thu chỉ gói gọn trong khoảng một tháng, nhưng ngay từ tháng 4 âm lịch, ông Tô cùng các con đã lặn lội tìm mua tre, chuẩn bị vật liệu… Để hoàn thiện một chiếc đầu lân cỡ trung bình phải mất từ 2-3 ngày, đầu lân lớn làm cầu kỳ hơn phải mất từ 4-5 ngày.
Bước đầu tiên là gấp giấy, sau đó tạo khung tre, rồi lót giấy xi măng. Tiếp đó, người thợ sẽ quét sơn đủ màu lên đầu lân, tạo mắt cho lân, đường viền. Sau cùng, nghệ nhân sẽ điểm tô, trang trí lông vũ, gắn châu cho đầu lân cho bắt mắt.
Nghề này hoàn toàn bằng thủ công. Người thợ không chỉ phải có chút năng khiếu về vẽ mà phải tỉ mỉ, kiên trì và chuyên tâm với nghề. |
Hiện nay, cơ sở của bốn cha con ông Tô sản xuất các 3 loại đầu lân: Đại, trung và cong, giá bán giao động từ 250.000-500.000 đồng/bộ. Mùa lân năm nay, ông Tô dự trù bán ra thị trường hơn 1.500 đầu lân và ông địa các loại. Thị trường không chỉ trong tỉnh mà ở các tỉnh lân cận. Với nghề này, trung bình mỗi mùa Trung thu, đại gia đình ông Tô kiếm được vài chục triệu đồng.
Cha truyền con nối
Ở xã Nghĩa Hòa, nghệ thuật làm đầu lân sư rồng đã trở thành “thương hiệu” của cha con ông Tô. Truyền niềm yêu thích môn nghệ thuật này đến thế hệ trẻ là tâm nguyện của người nghệ nhân. Song với việc tự mày mò, học hỏi để cải tiến mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của người dùng, ông Tô luôn hướng dẫn cho các cháu cách làm, để có thể nối nghiệp, giữ môn nghệ thuật truyền thống.
Không phụ công dạy dỗ và nỗ lực truyền nghề của ông, các con cháu ông Tô đều thích thú với bộ môn nghệ thuật này. Có những người trẻ, lân sư rồng đã có nhiều cải tiến mẫu mã. Đầu lân có nhiều chi tiết tỉ mỉ được làm bằng giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ... thay vì bằng sơn như những năm trước. Nhờ vậy mà những năm gần đây, đầu lân truyền thống đã đánh bật đầu lân nhựa có xuất xứ từ Trung Quốc.
|
||
“Con lân mình làm ra rất kỳ công lại đẹp và bền hơn, có thể cất để mùa Trung thu năm sau đem ra biểu diễn”- bà Trần Thị Tuyết- vợ ông Tô nói.
Tranh thủ thời gian nghỉ, anh Nguyễn Đức Đoàn (36 tuổi), con út ông Tô tâm sự với chúng tôi về nghề. Anh bảo, đây là nghề gia truyền bao đời nay, tuổi thơ của anh đã gắn chặt với những nét truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc. Mới lên 9 tuổi, anh đã biết uốn tre, cắt giấy màu làm đầu lân. Dù thế nào đi nữa anh cũng quyết phải giữ lấy nghề của cha ông.
Tạm biệt gia đình ông Tô, tôi tin rằng mai đây nghề này sẽ không bao giờ thất truyền, vì còn có những người trẻ như con, cháu ông Tô gìn giữ chúng.
Bài, ảnh: Ái Kiều