Đồng phục bánh Trung thu

11:09, 07/09/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có thể hiểu đầu đề bài này theo hai cách: Một, là “đồng phục và bánh Trung thu”, hai là “đồng phục bánh Trung thu”.

Trong tháng 9 này diễn ra hai sự kiện lớn: Khai giảng năm học mới, và đón Tết Trung thu. Cả hai sự kiện đều chủ yếu dành cho trẻ em, và đều là hai ngày hội rất vui. Vậy mà từ nhiều năm nay, nó đã trở thành hai ngày hội…lo của người lớn. Nhưng người lớn thì dính gì vào ngày khai trường và Tết Trung thu? Có đấy! Cứ mỗi mùa khai trường, cha mẹ học sinh lại lo lắng, thậm chí bải hoải vì các khoản đóng góp, gọi là các khoản “thu phí” mà nhà trường yêu cầu phải nộp nếu muốn con em mình được đi học bình thường.

Sau nhiều nỗ lực chống “lạm thu” ở các trường phổ thông của Nhà nước và cha mẹ học sinh, thì mùa khai trường năm nay, nhiều khoản thu đã giảm. Giảm, nhưng chưa hết. Giảm, nhưng lại “lặn” vào những mục thu khác. Chẳng hạn, thu tiền may đồng phục. Không hiểu, những nhà quản lý giáo dục cấp trường đã lấy đâu ra rất nhanh những “mẫu” đồng phục cực đẹp của học sinh…Hàn Quốc, và kiên quyết “ban” các em học sinh nghèo con nông dân ở trường mình “quyền” được mặc những bộ đồng phục đẹp đẽ ấy khi tới trường, nhất là trong ngày khai giảng. Bộ đồng phục được may từ loại vải khá đắt tiền, gồm cả áo sơ-mi và áo vét, có thắt “nơ” theo kiểu “cà-la-vát”. Trông hết ý luôn! Và giá mỗi bộ đồng phục như thế cũng…hết ý: Nó áng chừng hơn tạ thóc, quy ra tiền là hơn một triệu đồng.

Phụ huynh nông dân lo lắng! Các em học sinh nhỏ thì vừa mừng vừa sợ. Mừng vì sắp được mặc quần áo đẹp tới trường. Sợ vì khi mặc bộ đồng phục ấy, thì về nhà không có cơm mà ăn. Với những trường “quí-sờ-tộc” như trường dân lập quốc tế gì đó, thì đồng phục học sinh có giá hơn một…chỉ vàng SJC, nghĩa là khoảng 4 triệu đồng. Dĩ nhiên, những phụ huynh dám đưa con vào học những trường này phải là những phụ huynh có “ngân”, và sẵn sàng chi. Chỉ tội cho những trường ở quê nghèo, học sinh toàn là con em nông dân, mà cứ mỗi mùa khai trường lại thay đổi đồng phục cho nó “bắt mắt”, thì đó thực sự là nỗi vò xé trong lòng những phụ huynh nghèo. Ai cũng muốn cho con mình ăn mặc đẹp tới trường, và không ai dám tiếc với con cái, nhưng ngặt vì nhà nghèo, mỗi mùa khai trường phải tốn tới mấy triệu cho tất cả các “khoản”, thì lấy đâu ra? Trong khi, giá lúa gạo cứ rớt dài, còn giá phân bón, thuốc trừ sâu cứ ngất ngưởng.

Còn một loại “đồng phục” nữa đã khiến nhiều nhân viên, công chức cấp thấp ở một nơi đô hội như Hà Nội phải nhức đầu, đó là “đồng phục bánh Trung thu”. Bánh Trung thu thì cái nào chẳng giống cái nào? Ấy, nói vậy mà không phải vậy! Có những cái bánh Trung thu chỉ vài chục nghìn đồng, lại có những cặp bánh Trung thu giá lên tới chục triệu đồng. Cũng là bánh Trung thu cả. Nhưng loại trước dành cho “lính”, còn loại sau dành cho “sếp”. Không phải “sếp” bắt nhân viên của mình phải biếu bánh Trung thu cả chục triệu đồng/cặp. Sếp không nói gì cả.

Nhưng phận nhân viên, phận “lính” là phải làm vui lòng “sếp”, phải biết “phải không” với sếp, nhất là vào những dịp lễ Tết. Còn dịp lễ tết nào đẹp và có ý nghĩa hơn Tết Trung thu nữa? Sếp không nói, nhưng nhân viên phải hỏi han nhau, và cùng thống nhất sắm “đồng phục bánh Trung thu” biếu sếp. Kèm những món quà có ý nghĩa khác nữa. Thôi thì mỗi năm một Tết Trung thu, dù năm nhuận cũng không có hai Tết Trung thu đâu, phải “cố lên” thôi!
 

THANH THẢO
 


.