Tàu cổ mới phát hiện ở vùng biển Bình Châu có niên đại thế kỷ XVI

02:08, 16/08/2013
.

(QNĐT)- Qua các hiện vật ban đầu được người dân khai thác, chiếc tàu cổ mới phát hiện vào tối 15.8 tại vùng biển Bình Châu (Bình Sơn) được nhận định có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI. Hiện khu vực tàu cổ được lực lượng chức năng chốt giữ để đảm bảo an ninh trật tự tại vùng biển này.

>>> Xem video clip: Vất vả bảo vệ tàu cổ mới phát hiện ở Bình Châu

 

TIN LIÊN QUAN

Tái diễn tình trạng khai thác trái phép
 
Có mặt tại bãi biển thuộc thôn Châu Thuận Biển vào 8 giờ sáng, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là hàng chục chiếc tàu cá, thúng chèo bao quanh khu vực biển nằm cách bờ khoảng 200m. Qua dò hỏi, chúng tôi biết được, người dân vừa phát hiện thêm một chiếc tàu cổ khác, cách khu vực tàu cổ vừa khai quật khoảng 200-300m về phía tây bắc. Giống như việc phát hiện con tàu cổ lần trước (tháng 9.2012), nhiều người đang tự ý khai thác trái phép các cổ vật từ con tàu đắm.

Tiến về khu vực này, hàng trăm người trên hơn 20 chiếc tàu, thúng tích cực thả dây neo, khởi động máy và đưa các dây sục khí để phát lộ các cổ vật ngay dưới đáy biển sâu chừng 3-5m. Mọi phương tiện lặn, thổi cát đều được người dân huy động để phục vụ việc khai thác cổ vật. Các thợ lặn liên tiếp hụp và ngoi lên khỏi mặt nước để chuyền tay các cổ vật lấy được từ con tàu cho người đứng trên thuyền .

 
Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn người dân vào khu vực tàu cổ
Lực lượng chức năng tiến hành giải tỏa, ngăn chặn người dân vào khu vực tàu cổ

Theo một người dân địa phương, việc tụ tập phương tiện và khai thác cổ vật từ chiếc tàu đã bắt đầu từ 10 giờ tối 15.8. Đến sáng nay, khi công an và bộ đội biên phòng tỉnh có mặt và tiến hành giải tỏa, các tàu thuyền này mới chịu tản ra chỗ khác.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Con tàu cùng số cổ vật là di sản văn hóa dưới nước có ý nghĩa vô cùng lớn. Do đó, việc khai thác trái phép của người dân nếu còn tiếp tục sẽ bị xử lý theo pháp luật.


“Lực lượng chức năng đã có mặt từ tối 15.8 để kiểm soát tình trạng khai thác trái phép cổ vật của người dân. Tuy nhiên, do điều kiện ban đêm nên đến sáng nay, việc khai thác trái phép này mới được xử lý, ngăn chặn triệt để”- Ông Vũ nói thêm.

Cần sớm có phương án bảo vệ và khai thác

Các lực lượng chức năng đã thu giữ một số hiện vật mà người dân khai thác từ tàu cổ. Qua quan sát ban đầu của phóng viên, nhiều hiện vật bị vỡ do người dân tranh giành khai thác ngay dưới đáy biển. Hầu hết đều là các tô, chén, đĩa làm bằng gốm sứ, có tráng men và hoa văn màu xanh.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhận định: Các hiện vật này có đặc điểm chung là được sản xuất vào khoảng thế kỷ XVI. Cổ vật là đồ gốm sứ có hoa văn men xanh- mang nét đặc trưng của gốm sứ thời điểm chúng được sản xuất. Tôi nghĩ rằng chiếc tàu sẽ còn ẩn chứa nhiều hiện vật giá trị khác ngoài các loại tô, chén, đĩa.

Như vậy, từ năm 1998 đến nay, người dân địa phương đã phát hiện 3 tàu cổ đắm tại khu vực biển Bình Châu (xưa được gọi là Vũng Tàu). Điều này khẳng định, khu vực này nằm trên con đường tơ lụa trên biển- đường đi của nhiều tàu giao thương chở gốm sứ trong quá khứ.

 

Một hiện vật được người dân khai thác từ tàu cổ
Một hiện vật được người dân trục vớt từ tàu cổ.

Con tàu đắm được nhận định còn nguyên be, hiện trạng khá tốt và bị đắm ở vị trí nông hơn chiếc tàu cổ trước đó. Vấn đề trước mắt được đặt ra ở đây là bảo vệ tàu như thế nào và bao giờ mới khai thác. Việc tiến hành khai thác sớm không chỉ đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương mà còn giúp bảo tồn thêm một di sản văn hóa đầy ý nghĩa.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết: Trước mắt, chúng tôi sẽ cho lực lượng chức năng chốt giữ khu vực tàu đắm nhằm tránh tình trạng người dân khai thác trái phép khiến nhiều hiện vật bị vỡ. Sau đó, sẽ xin ý kiến UBND tỉnh về việc che chắn bảo vệ và tiến hành khai thác như thế nào. Với vị trí đắm của chiếc tàu này, rất có thể chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp đóng đê vây chắn sóng như con tàu cổ trước.

Ngay sau khi ngăn chặn kịp thời các phương tiện khai thác trái phép của người dân tại khu vực tàu cổ, Sở VH-TT&DL cùng các ngành liên quan đã họp khẩn để bàn phương án bảo vệ. Lúc này, Bộ đội biên phòng tỉnh cùng Cảnh sát giao thông đường thuỷ cũng đã túc trực, ngăn chặn người dân vào khu vực tàu cổ.
 
Dưới đây là một số hình ảnh mà phóng viên Quảng Ngãi điện tử ghi nhận được tại hiện trường:

 

Người dân dùng nhiều phương tiện máy móc thổi cát để phục vụ khai thác trái phép
Người dân dùng nhiều phương tiện máy móc thổi cát để khai thác trái phép.

Các hiện vật từ tàu cổ được người dân chuyền tay đưa lên khỏi mặt nước

Các hiện vật từ tàu cổ được chuyền tay đưa lên khỏi mặt nước
Các cổ vật được đánh giá có niên đại vào khoảng thế kỷ 16, được sản xuất tại lò gốm Quảng Đông
Các cổ vật được đánh giá có niên đại vào khoảng thế kỷ XVI.
Các cổ vật người dân nộp cho lực lượng chức năng hầu hết đã bị vỡ do tranh giành trong quá trình khai thác
Các cổ vật người dân nộp cho lực lượng chức năng hầu hết đã bị vỡ do tranh giành trong quá trình khai thác.

 

 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.