(QNg)- Sau hơn một giờ hành trình từ cảng Sa Kỳ vượt sóng, con tàu cao tốc An Hải đã cập bến đưa chúng tôi đến đảo Lý Sơn. Phóng tầm mắt hướng đến bến cảng đã thấy tấp nập những con tàu đi biển Hoàng Sa trở về với khoang cá đầy trong niềm vui của bạn thuyền gọi nhau í ới, chúc mừng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong cuộc mưu sinh đầy bất trắc với biển cả, những chuyến đi hướng về Hoàng Sa, Trường Sa của hơn ba nghìn ngư dân Lý Sơn trên 419 chiếc thuyền đánh bắt xa bờ hiện nay thường xuyên ra tận quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khai thác hải sản, luôn mang theo những nỗi niềm sâu thẳm, hồn nước quê hương. Anh Phan Văn Tân-một ngư dân ở Lý Sơn khẳng khái: “Ngư dân Lý Sơn ai cũng có suy nghĩ, đi Hoàng Sa, Trường Sa là về với mảnh đất của cha ông từ bao đời trước. Trên quần đảo Hoàng Sa có các đảo mang tên các ông cai đội Hoàng Sa như: Quang Ảnh, Hữu Nhật. Chính vì vậy, ra tới nơi, ngư dân chúng tôi đều cáo, lạy tổ tiên!”.
Lễ thả thuyền thế mạng ra biển tại bến An Vĩnh. Ảnh: M.TRÍ |
Niềm tin sâu xa ấy đã ăn sâu, bắt rễ vì đã hóa thân, trở thành một dòng chảy, luôn song hành với cuộc sống của các thế hệ con cháu hiện tại trên hòn đảo này. Đến thăm gia đình ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, người ta có thể lầm tưởng ông là một nhà nghiên cứu. Trong ngôi nhà cổ đã qua mấy đời, tấm bản đồ An Nam Đại quốc họa đồ (do một giám mục người Pháp xuất bản từ năm 1838, nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) được treo ở vị trí trang trọng nhất. Dù là một người dân bình thường, nhưng ông Tuyền có cả một tủ sách nói về Hoàng Sa, Trường Sa. Các bài báo viết về Hoàng Sa được ông sưu tầm, cất giữ cẩn thận. Trong đó có bài đăng tải cách đây trên 20 năm. Rồi những tập tài liệu cổ của dòng họ, nội dung đề cập đến những người đi lính Hoàng Sa.
Không chỉ có ông Tuyền mà trên đảo còn nhiều người đi sưu tầm và gìn giữ tài liệu như ông. Tám dòng họ ra khai phá đảo Lý Sơn từ năm 1604, dòng tộc nào cũng có người đi lính Hoàng Sa, vì thế, các dòng tộc này đều gìn giữ nhiều tư liệu quý đề cập đến đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Mối quan hệ dòng tộc, đó chính là sợi dây vô hình, gắn bó chặt chẽ các cư dân trên đảo Lý Sơn thành một cộng đồng lớn. Đà Nẵng, Quảng Ngãi mới đây đã đưa chương trình giáo dục về chủ quyền Hoàng Sa vào giảng dạy cho học sinh. Nhưng ở Lý Sơn, các em học sinh cũng như mọi thế hệ cư dân trên đảo, từ bao đời nay, họ đã được thấm nhuần về Hoàng Sa từ chính gia đình, dòng họ, đắm mình trong mảnh đất còn đầy dấu tích Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải. Việc hiến tặng Tờ lệnh Hoàng Sa cho Nhà nước của gia tộc họ Đặng trên đảo cũng là biểu hiện rõ nét nhất về ý thức chủ quyền biển đảo của người dân Lý Sơn. Ông Đặng Lên cho rằng: “Gia tộc chúng tôi làm điều này là hoàn toàn phù hợp với đạo lý của ông bà đời trước”.
Lý Sơn có những di sản văn hóa quý báu. Các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây cho thấy đảo Lý Sơn từng có cư dân cách nay ít nhất 2.500 - 3.000 năm là chủ nhân Văn hóa Sa Huỳnh hệ biển đảo, kế đó là Văn hóa Chămpa, trong môi trường biển-đảo. Lớp văn hóa Việt kế tiếp cũng tạo được nhiều di sản quý báu. Ở Lý Sơn xưa có nhiều ca dao, ngạn ngữ đặc thù, nói về chính mảnh đất này, tâm tình hướng về đất liền, về cội nguồn. Ở Lý Sơn có các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đua thuyền, lễ hội tế đình làng An Hải. Đặc biệt là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa-một lễ hội truyền thống văn hóa của huyện đảo Lý Sơn đã được lưu truyền từ hơn 300 năm trước đến nay vẫn còn tồn tại như một minh chứng sống về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Được biết, từ năm 2013 trở đi, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được UBND tỉnh Quảng Ngãi đứng ra tổ chức định kỳ hàng năm trong tháng 3 âm lịch. Nâng tầm lễ hội đậm chất văn hóa biển, đảo và tôn vinh những đóng góp của các thế hệ cư dân Lý Sơn trong quá trình xác lập chủ quyền và bảo vệ biển, đảo Việt Nam.
Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Lý Sơn đang có lợi thế về hệ sinh thái biển phong phú, thích hợp cho phát triển du lịch.
Trên đảo Lý Sơn hiện có gần 100 di tích với một quần thể các đền, chùa, miếu, mộ. Và không thể quên “vương quốc tỏi” Lý Sơn: Leo lên đỉnh núi Thới Lới, một trong những miệng núi lửa lớn nhất còn lại trên đảo, du khách có thể nhìn toàn cảnh những cánh đồng trồng hành, tỏi chia ô đều tăm tắp, ngọn đèn biển sừng sững giữa biển trời xanh biếc và khó quên nhất là cảnh hoàng hôn đỏ rực bao trùm biển khơi.
Bỏ qua cái bề ngoài, đi vào đời sống văn hóa, sinh hoạt và những tình cảm của cư dân trên đảo Lý Sơn, người ta dễ dàng cảm nhận rất rõ ý thức bảo vệ chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang ẩn giấu bên trong mỗi con người - nơi hồn biển ở Lý Sơn ngàn đời xanh thẳm.
Minh Trí