(QNĐT)- Cùng với số cổ vật, con tàu cổ quý hiếm bị đắm ở Bình Châu cũng được nghiên cứu, hé lộ nhiều bí mật chưa được khám phá. Con tàu được đánh giá là có niên đại cổ nhất cũng như hiện trạng tốt nhất trong số 12 chiếc tàu Châu Á được khai quật từ trước đến nay.
Sau gần 1 tháng khai quật, đơn vị thi công cùng các nhà nghiên cứu đã trục vớt khoảng 4.000 cổ vật còn nguyên. Trong đó có nhiều tiền xu cho phép xác định niên đại của con tàu và toàn bộ cổ vật.
Tìm ra một số độc bản thú vị
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã xác định nguyên nhân đắm tàu là do xảy ra sự cố cháy nổ từ khoang thứ 4 đến khoang thứ 6, nơi chứa hàng trăm đồng tiền xu, phân thành 19 loại tròn, vuông khác nhau. Trong đó, niên đại muộn nhất của tiền xu là thế kỷ 13. Các nhà khảo cổ xâu chuỗi nhiều chi tiết khác và rút ra kết luận: Số cổ vật trên tàu có niên đại từ nửa cuối thế kỷ 13.
Trong số hàng nghìn cổ vật được trục vớt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khá nhiều chi tiết mới lạ về hoa văn, gốm sứ và kỹ thuật đóng tàu của người xưa. Nếu như với các con tàu được khai quật trước đây, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với các đồ gốm sứ men nâu, men da táo, màu vàng chanh, ô liu… với nhiều loại hoa văn chìm nổi như: hoa lam, sen, cúc… thì đã làm được với việc khai quật con tàu này.
Độc bản đĩa men có hoa văn nổi hình rồng khá đặc biệt được tìm thấy trong chiếc tàu cổ |
Con tàu đã cung cấp đầy đủ dữ liệu cho các nhà nghiên cứu về gốm sứ, tàu cổ, con đường tơ lụa trên biển, tiền cổ và cách sắp xếp các cổ vật trên tàu. Trong đó, các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một số độc bản thú vị: Chuỗi hạt ngọc màu xanh lá cây, chiếc đĩa ngọc có hoa văn rồng và quả cân của thủy thủ đoàn. Đây là những món cổ vật mang đặc trưng nghệ thuật ở thế kỷ 13.
Cũng trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định được loại men gốm nâu da lươn xuất phát từ thời điểm nào. Theo TS. Nguyễn Đình Chiến- Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quốc gia cho hay: Các mẫu gốm men nâu da lươn xuất hiện ở nhiều thế kỷ liền. Việc xác định thời điểm mẫu men này xuất hiện thì các nhà khảo cổ học vẫn chưa tìm ra. Qua quá trình khai quật chiếc tàu cổ có từ thế kỷ 13 này, chúng tôi có thể khẳng định, men nâu da lươn xuất hiện từ thời điểm cách đây 700 năm.
Bản thân chiếc tàu đắm, theo đánh giá của các nhà khảo cổ, cũng là độc bản quý hiếm nhất từ trước đến nay của ngành khảo cổ Việt Nam cũng như thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Việt- Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (thuộc Hội khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam) nhận định: Trong số 12 chiếc tàu đắm ở Châu Á được khai quật trước đây, chưa có chiếc nào có hiện trạng tốt như chiếc tàu này. Bản thân chiếc tàu đã là di sản văn hóa lớn với niên đại lâu nhất được biết đến trong ngành đóng tàu cổ. Việc nghiên cứu chiếc tàu mang lại ý nghĩa to lớn với toàn bộ giới nghiên cứu tàu thuyền thương mại thế giới.
Bảo tồn tàu cổ như thế nào?
Hiện Ban khảo cổ tàu đắm đang tiếp tục mời chuyên gia về tàu cổ đến đo vẽ và phục dựng chiếc tàu đúng như hiện trạng ban đầu. Họa sĩ Nguyễn Sơn Ka, nguyên Trưởng phòng vẽ và phục chế Viện Khảo cổ học Việt Nam, cho biết: Tàu bị đắm lộ diện là thuyền buồm, dạng tàu tầm trung, chiều dài 21m, rộng 5,6m, có 12 khoang, 3 tầng và bị chìm theo phương thẳng đứng.
Chiếc tàu được đóng với 1.000 chi tiết bằng kỹ thuật ghép mộc và đóng đinh. Kỹ thuật làm vách ngăn thuyền cổ cũng rất đặc biệt, cả một phiến gỗ lớn, đường kính khoảng 1m, tất cả hệ thống ván ốp thuyền bằng gỗ thông dày từ 6-8 cm. Chứng tỏ nơi đóng tàu là nơi khá giàu về nguyên liệu gỗ quý và có kỹ thuật đóng thuyền buồm tương đối phát triển.
Đế và cụm bánh lái còn khoảng 90%, các vách ngăn khoang tàu bằng gỗ nguyên khối cũng còn khá chắc chắn. Tàu còn 18 tấm ván, mỗi tấm dày trên dưới 20cm. Đây là con tàu có kết cấu chắc chắn nhất từng được biết đến. Do đó, trải qua hàng trăm năm dưới đáy biển, tàu hầu như vẫn giữ được phần xương sống với các mảng gỗ quý lớn.
Các mẫu gỗ đã được gửi đi giám định theo phương pháp carbon phóng xạ để xác định chính xác thời điểm ra đời. Nhưng qua nghiên cứu sơ bộ về gỗ, các nhà khoa học nhận định đây là con tàu có chất liệu gỗ tốt nhất trong số 12 tàu mà thế giới đã trục vớt được, cả về chất liệu và khối lượng. Trên thế giới chưa có con tàu nào trục vớt còn nguyên đế tàu và chưa có nhà khoa học nào tận mắt chứng kiến, tận tay sờ vào hiện vật như con tàu này ở Việt Nam.
Phần đuôi tàu với mảng gỗ lớn còn nguyên được phục dựng |
Với ý nghĩa về văn hóa cũng như lịch sử to lớn như vậy, Ban khảo cổ đang đặt ra 2 phương án để bảo tồn con tàu. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Hoặc là chúng tôi sẽ trục vớt con tàu và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt để trưng bày cho nhân dân chiêm ngưỡng và tiếp tục phục vụ nghiên cứu khảo cổ học. Hoặc là chúng tôi sẽ để lại con tàu dưới đáy biển và phát triển du lịch. Phương án cuối cùng phụ thuộc vào quyết định của UBND tỉnh.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, điều quan trọng nhất vẫn là việc bảo tồn tàu cổ như thế nào cho hiệu quả. Tiến sĩ Việt nhận định: Nếu để tàu lại dưới biển thì quả là điều đáng tiếc. Trong lịch sử nghiên cứu tàu cổ thế giới, đây là con tàu quý hiếm vào bậc nhất. Việc đưa lên bảo quản được sẽ là một bước tiến dài cho ngành khảo cổ Việt Nam và là dấu ấn trong lịch sử thế giới. Chi phí cho việc trục vớt tàu cổ và bảo quản trên cạn cũng không quá lớn như dự đoán ban đầu.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào khả năng của địa phương để quyết định nên trục vớt hay không. Việc giữ lại con tàu nơi đáy biển để phục vụ du lịch cũng là điều đáng khích lệ. Công tác bảo quản tại chỗ cũng cần được triển khai. Bởi con tàu nằm ở đó đã 700 năm, gỗ không hủy hoại đi nhưng đương nhiên phải có những biện pháp bảo vệ được triển khai giống như việc cắm biển bảo vệ di tích, chế độ trực gác để tránh bị người dân hủy hoại. Điều cốt yếu là phải bảo tồn con tàu còn nguyên như mới khai quật để thế hệ sau này còn cơ hội được chiêm ngưỡng, sờ, chạm vào chiếc tàu có một không hai này.
Các cổ vật từ tàu đắm được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh vào chiều 30/6 |
Chiều 30/6, Ban chỉ đạo thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển đã tổ chức buổi họp báo cáo kết quả sơ bộ quá trình khai quật, trục vớt chiếc tàu đắm 700 năm tuổi. Đồng chí Lê Quang Thích- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng nhiều nhà khảo cổ hàng đầu đã đến dự.
Qua gần 1 tháng khai quật, đơn vị thi công đã khai quật được hơn 4.000 hiện vật còn nguyên và 177 thùng hiện vật đã vỡ. Các cổ vật được trục vớt rất đa dạng phong phú về chủng loại gồm: chum, lọ, đĩa, chén, vại, đồ trang sức nữ… được chạm trổ, trang trí nhiều hoa văn khác nhau. Sau khi khai quật xong khu vực bên trong tàu cổ, đơn vị thi công tiếp tục khảo sát, khai quật xung quanh tàu cổ với diện tích 300 mét vuông để tiếp tục trục vớt các cổ vật còn rơi vãi.
Cũng trong sáng 30/6, các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu tích cột buồm của con tàu đắm. Qua đó, mở ra hướng nghiên cứu kết cấu độc đáo nhưng còn khá phức tạp của con tàu có niên đại cổ nhất từng được khai quật này.
Sau đây là một số hình ảnh phóng viên Quảng Ngãi Điện tử ghi nhận được tại hiện trường khai quật tàu cổ:
Con tàu cổ được đánh giá là có hiện trạng và kết cấu tốt nhất trong số 12 con tàu Châu Á được khai quật |
Cụm bánh lái của tàu còn lại gần như nguyên vẹn |
Hầu như các vách ngăn khoang tàu còn nguyên vẹn |
Có 19 loại tiền xu được phát hiện, loại có niên đại muộn nhất từ thế kỷ 13. Đây là yếu tố quan trọng xác định niên đại chiếc tàu và các cổ vật khác |
Bài, ảnh: Thanh Phương