Đặc sắc lễ hội của cư dân ven biển Quảng Ngãi

11:04, 27/04/2013
.

(QNg)- Quảng Ngãi nằm giữa dải đất miền Trung, nhiều vùng bám sát bờ biển, vì thế đã hình thành nên một bộ phận cư dân miền biển. Trải qua hàng trăm năm, cuộc sống của bộ phận cư dân này gắn liền với các lễ hội đặc sắc như một phần không thể tách rời lịch sử làng quê, thôn xóm…

TIN LIÊN QUAN


Hiện nay tại các làng quê ven biển Quảng Ngãi còn giữ nhiều loại hình lễ hội cổ truyền, tiêu biểu như lễ hội thờ cúng Cá Ông, lễ hội cầu ngư, đua thuyền… Các lễ hội này mang yếu tố tín ngưỡng, tâm linh được tổ chức đều đặn hằng năm để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an; ngợi ca các bậc tiền nhân, hướng về cội nguồn dân tộc và thể hiện vươn tới khát vọng chân–thiện– mỹ của con người…

Lễ hội thờ cúng Cá Ông

Lễ hội tế Cá Ông được tổ chức hai lần vào mùa xuân và mùa thu – “xuân thu nhị kỳ”. Kỳ xuân vào tháng Giêng hoặc tháng Hai, kỳ Thu vào tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch. Thông thường vào dịp tế thu, ngư dân làm lễ tế lớn hơn kỳ xuân, vì đây là dịp bà con vạn chài bày tỏ lòng biết ơn Đức Ngư Ông đã phù hộ cho họ sau một mùa biển bình yên, lưới nặng cá đầy.

Hầu hết các làng chài dọc theo ven biển Quảng Ngãi đều có lăng (hoặc miếu) thờ Cá Ông. Ở những vạn chài có đông đảo cư dân làm nghề đánh cá thì thường mỗi vạn có một lăng Ông. Lăng Ông là nơi thờ Cá Ông, tức cá voi, được ngư dân gọi bằng nhiều danh xưng như Nam Hải Cự tộc Ngọc lân thượng đẳng thần, Nam Hải Đại tướng quân, Đức Ngư Ông, Ông Lộng, Ông Sanh... Trong mỗi lăng Ông còn thờ các thủy thần khác, các vị tiền hiền, hậu hiền, những người đã nằm lại vĩnh viễn dưới lòng đại dương.

Một lễ hội cúng Cá Ông thông thường gồm các nghi lễ: Lễ túc yết, lễ nghinh Ông, chánh lễ, các trò diễn. Trước năm 1945, vào dịp tổ chức lễ hội tế Cá Ông, trong làng, vạn còn tổ chức các hình thức vui chơi như đua thuyền, lắc thúng, kéo co, hát bội, hát đối đáp, đua cà kheo, đấu vật…, nhưng ngày nay các trò diễn này đã thiếu vắng, thi thoảng mới có một số trò diễn như đua thuyền, lắc thúng, hát bội...

Ngoài các hình thức phổ biến vào các dịp lễ xuân thu nhị kỳ, còn có các nghi lễ liên quan đến việc cúng tế Cá Ông, như lễ tang Cá Ông và lễ Thượng ngọc cốt. Cá voi chết ngư dân gọi là Ông bị "lụy", hoặc "đi tu". Khi xác cá voi trôi dạt vào bờ biển của làng, vạn nào thì phải lo làm lễ tang cho Ông. Họ rất vui mừng khi được Ông "lụy" vào bờ biển của làng mình, vì cho rằng đó là phúc lớn của làng…

 Lễ hội cầu ngư

Cư dân ven biển làm lễ cầu ngư vào dịp đầu năm mới với ý nghĩa cầu mong cho mùa màng bội thu, yên bình trong cả năm lênh đênh trên biển cả. Đây là lễ thức có khi chỉ riêng của cá nhân, gia đình, và có khi là của cả cộng đồng. Có nơi gọi lễ cầu ngư là lễ ra nghề, hay lễ xuống nghề. Tiêu biểu cho lễ cầu ngư của cư dân ven biển Quảng Ngãi là lễ cầu ngư Sa Huỳnh, mà nay có một tên gọi mới là "Lễ ra quân đánh bắt thủy sản Sa Huỳnh", hoặc có năm gọi là "Lễ ra quân nghề cá".

Vào sáng sớm mùng 3 Tết, tất cả các thuyền trong các vạn, tập trung tại cửa biển, chong đèn kết hoa rực rỡ, bày bàn soạn lễ vật trên thuyền, các loại ngư cụ... Sau khi đại diện chính quyền, hội nghề cá khai mạc và tổng kết nghề đánh bắt hải sản một năm cũng như kế hoạch thực hiện trong năm mới, ông chủ vạn gióng tiếng trống báo hiệu lễ ra nghề bắt đầu. Chiếc thuyền đầu tiên ra khơi là chiếc thuyền được ban vạn bầu chọn (không gặp bất trắc gì trong năm cũ, gia đình hòa thuận, chủ thuyền có uy tín...) và sau đó là hàng trăm chiếc thuyền nối tiếp ra khơi. Ra đến cách bờ chừng vài hải lý, các thuyền lại thực hiện nghi thức tế cáo thần linh và đánh mẻ lưới làm phép đầu tiên. Sau khi vớt mẻ lưới lên các thuyền quay lại vào bờ. Những làng xã thường tổ chức lễ cầu ngư hằng năm và có quy mô lớn là Sa Huỳnh, An Chuẩn, Cổ Lũy, nhưng tiêu biểu nhất là ở Sa Huỳnh. Có nơi không tổ chức lễ cầu ngư riêng mà người ta xem lễ tế Cá Ông vào dịp đầu năm là lễ cầu ngư.

Lễ hội đua thuyền

Vào các dịp lễ tết, nhiều nơi dọc ven sông biển ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền. Ở huyện Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Ở huyện Bình Sơn, hội đua thuyền thường diễn ra ở vịnh Vũng Tàu, cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng. Ở huyện Sơn Tịnh, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Trà Khúc. Ở huyện Nghĩa Hành, tổ chức đua thuyền trên sông Vệ… Ở huyện đảo Lý Sơn, hội đua thuyền thường được tổ chức ở vùng biển phía tây nam của đảo.

 

Lễ hội đua thuyền vào mùa xuân ở huyện đảo Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền vào mùa xuân ở huyện đảo Lý Sơn


Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn được gắn liền với câu ca dao: “Mùng bốn có hội đua ghe. Cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng”. Có lẽ đây là lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển ở Quảng Ngãi nói riêng, ở Nam Trung Bộ nói chung. Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn không chỉ là một trò diễn vui chơi giải trí, mà còn để tưởng nhớ đến các vị tiền hiền buổi đầu khai khẩn lập nên hòn đảo bạc giữa biển xanh này, bày tỏ khát vọng quốc thái dân an, người an vật thịnh.

Nhìn chung, các loại hình lễ hội của cư dân Quảng Ngãi sinh sống ven biển khá đa dạng và phong phú, mang nhiều giá trị giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, giá trị nhân văn, làm cố kết cộng đồng. Các lễ hội đặc sắc này sẽ mãi song hành với đời sống của các cư dân, được bảo tồn, phát huy giá trị đến muôn đời sau…


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.