Cúng cá Ông ở Vạn Đông Yên

04:05, 05/05/2009
.

Lăng Vạn Đông Yên.

Lăng Vạn Đông Yên.

Vạn Đông Yên thuộc xã Bình Dương nằm ở phía đông huyện Bình Sơn, cách Quốc lộ 1A khoảng 3km theo đường chim bay, được bao bọc bởi một phụ lưu của sông Trà Bồng. Ở đây hàng năm, xuân thu nhị kỳ đều tổ chức lễ cúng cá Ông, nghinh Ông tại lăng Vạn.

 

Theo truyền thuyết, xưa kia, trong một lần tuần du ở Nam Hải, đức Phật Quan Âm thương xót cho thân phận bé mọn của ngư dân phải chống chọi biển sâu, bão lớn và chết chìm ngoài biển khơi, nên ngài xé chiếc áo cà sa ra muôn mảnh thả trên mặt biển rồi hóa phép thành cá Ông (cá Voi), lại ban cho phép "thâu đường" để thay mặt ngài cứu vớt người lâm nạn.

 

Sổ sách của vạn Đông Yên còn lưu chép, tục thờ cúng cá Ông đã có  từ năm Tân Mùi (1811) - thời Gia Long và trải qua bao biến thiên thời đại, lệ làng vẫn giữ mãi cho đến ngày nay. Chánh lễ tế Xuân được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng, còn tế Thu là ngày 16 tháng 7 âm lịch. Nhưng trước đó cả tháng các gia đình ngư dân trong vạn đã chuẩn bị thuyền, quần áo, mũ mão cho các đội chèo, đội lân; sắm sanh chèo, đèn, cờ, trống và lễ vật cúng như heo, bò, dê,... Sau đó trang hoàng lăng vạn hết sức rực rỡ, trang nghiêm, có cờ, có phướn; tu bổ, sơn vẽ lại tường, điện thờ; dọn dẹp xung quanh lăng và đường làng, ngõ xóm... Thông thường tế Xuân thì trầm trà (hương đèn, hoa quả), tế Thu trả thảo bằng tam sanh (heo, bò, dê), nhưng có năm được mùa, cả hai lệ đều cúng trả thảo.

 

Trước chánh lễ một ngày (7 tháng Giêng, 15 tháng 7 âm lịch), ngư dân làm lễ nghinh Ông về lăng Vạn và rước vong linh những người chết sông, chết biển vào trong lăng (bàn thờ âm binh, âm hồn) để cùng hưởng lộc Ông.

 

Lễ nghinh Ông được cử hành lúc 14 giờ. Đúng giờ xuất phát, cùng với những hồi đại cổ (trống lớn), chinh (chiêng) giục giã vang lên, đoàn rước từ lăng đi ra bến thuyền. Đi đầu là lá cờ đại, tiếp theo là đội gươm y phục đen nẹp trắng, đầu đội nón chóp đỏ viền vàng. Riêng tổng gươm đầu đội kim khôi, mình mặc áo giáp, chân bó xà cạp quấn dây đỏ, gươm lệnh giắt lưng, tay cầm trống khẩu (trống lệnh). Tiếp đến là đội chèo, quần áo màu xanh nẹp đỏ, đầu thắt khăn vàng viền đỏ. Rồi long đình được bốn người khiêng, trên để lễ vật cúng gồm 4 tờ văn, bàn trầu xoay, rượu, hương, hoa quả, có người cầm cờ phướn và đại kỳ đi hai bên. Liền sau kiệu là chủ vạn, hai ông tư văn, ban nhạc, đội chiêng trống và ban các xóm. Ra đến bến, đoàn rước chia ra các thuyền đã được giăng cờ, kết hoa sẵn để đi nghinh. Thuyền chánh lễ dẫn đầu có đặt bàn hương án chở chủ vạn, tư văn, ban nhạc; phía sau là thuyền bên tả chở đội chèo, bên hữu chở đội gươm, hàng giữa chở đội lân cùng tiến ra cửa biển.

 

Giữa tiếng chiêng trống, tiếng hò reo, nhạc tấu vang lừng, âm thanh rộn ràng náo nức, đoàn thuyền nghênh Ông ra đến điểm đã chọn trước, thuyền chánh lễ ra tín hiệu giảm tốc độ, tất cả các thuyền dừng và neo lại. Ông chủ vạn sửa soạn lễ vật, trang nghiêm khấn vái, đọc tờ sớ nghinh Ông và đốt thành tro rồi thả xuống biển cùng với hương hoa, rượu muối, giấy vàng bạc... trong tiếng nhạc lễ thanh cao điểm theo tiếng trống u trầm, tạo cho mọi người có cảm giác ngất ngây như được giao tiếp với thần linh.

 

Khi đoàn rước quay về bến, dân vạn già trẻ, gái trai ùa ra đón tiếp. Chiêng trống lại nổi lên hòa vào niềm tin và hy vọng tốt đẹp của ngư dân. Ban chủ tế cùng với đoàn rước Ông được ban tổ chức sắp xếp đi đúng theo từng vị trí quay về lại lăng vạn.

 

Khi ngoài bến thuyền đêm đã xuống. Các ghe thuyền đều giăng đèn, kết hoa đậu kín cả một khúc sông. Thuyền nhấp nhô theo sóng, đèn lung linh trên mặt nước tạo ra khung cảnh huyền diệu. Nhân dân tụ tập chuẩn bị từ chiều đang chờ đợi làm lễ phóng đăng (thả đèn). Đến giờ, ông chủ vạn lên thuyền làm lễ. Sau khi ông khấn vái, đốt tờ văn, hương giấy, thí diêm mễ (gạo, muối) xuống sông, mọi người trên bờ cũng như dưới thuyền đều thả hoa đăng cầu nguyện cho linh hồn những người thân chết sông, chết biển được siêu thoát. Hoa đăng được đốt bằng đèn sáp, cắm lên một đoạn thân cây chuối rồi đặt vào trong chiếc niêu đất nhỏ. Trôi theo dòng sông Trà Bồng là hàng ngàn đóm sáng chung chiêng như muôn vì sao trên dải ngân hà.

 

Hội hoa đăng vừa xong thì cũng là lúc bắt đầu lệ tiên thường (lúc 20 giờ). Lệ được tiến hành trình tự như sau: Chủ lễ làm lễ, phần hiến (sơ hiến, á hiến, chung hiến), các đội gươm, đội chèo, đội lân múa theo vị trí và thời gian đã định.

 

Độc đáo nhất là đội chèo bả trạo. Đội có từ 18 đến 20 người. Ngoài tổng chèo phụ trách chung còn có tổng lái, tổng mũi, tổng khoang mặc áo thụng xanh, thắt dây điều đảm đương từng nhiệm vụ. Tổng chèo cầm chèo cán sơn đỏ, mái màu trắng, giữa cây chèo có vẽ vòng thái cực. Chèo lái dài cỡ 2,5m, tay cầm màu đỏ, mái màu xanh có vẽ rồng vàng, còn chèo quân (con trạo) dài 1,2m sơn đen trắng.

 

Lúc làm lễ trong lăng, đội chèo chỉ đứng hầu, lễ tất mới hát bả trạo kính thần và để nhân dân thưởng lãm. Khi hát thì tổng bả trạo lĩnh xướng còn con trạo hát theo, tay cầm mái chèo đưa đẩy. Người ta thường hát các điệu hát nam, hát khách, đưa linh, còn trong lúc lao động thì dùng các điệu hò chèo thuyền, hò giựt chì, hò hụi, hò lơ...

 

Tục thờ cúng cá Ông ở vạn Đông Yên dù xuất phát từ quá trình thần thoại hóa, lịch sử hóa hay tác động của vương triều nhà Nguyễn, thì đối với ngư dân vạn Đông Yên vẫn là dịp thể hiện lòng tôn kính trước ân nhân; khi sống Ông sẵn sàng cứu giúp người gặp nạn, lúc thác Ông phù hộ độ trì cho vạn mưa thuận gió hòa, làm ăn yên ổn, được mùa cá tôm... Việc xác tín này rất cần thiết, vì khi lênh đênh ngoài khơi, trong lộng gặp sóng cao gió cả họ cũng đủ niềm tin vào thần linh, can đảm chiến đấu với nghịch cảnh mà đợi Ông đến cứu và nhiều người tự mình đã thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần. Bên cạnh đó, lễ hội này có tính nhân văn  rất cao, còn là dịp đền ơn đáp nghĩa, thăm viếng lẫn nhau giữa chủ ghe và bạn chài, giữa chủ vạn với dân cư để tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Đây cũng là dịp vui chơi, giải trí sau những tháng lao động nhọc nhằn và cố kết cộng đồng, chia bùi, sẻ ngọt không những trong vạn mà còn cho mọi người đến dự, nhất là những ngày Tết đến, xuân về.

V.H

 


.