(QNg)- Bản sắc văn hóa của người Hrê thật đa dạng và phong phú. Thế nhưng có xu hướng bị mai một bởi các nét văn hóa hiện đại. Các nhà quản lý văn hóa đang nỗ lực để bảo tồn nét văn hóa của dân tộc. Ông Đinh Văn Ước, ở thị trấn Ba Tơ, tuy đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông vẫn miệt mài giữ gìn và lưu truyền nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Những năm gần đây, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Hrê (Ba Tơ) được nâng lên. Các thể loại văn học nghệ thuật, văn hóa hiện đại được du nhập đến các làng quê vùng cao Ba Tơ. Bà con đồng bào Hrê đã mua sắm được các thiết chế văn hóa phục vụ cho đời sống văn hóa tinh thần của từng gia đình. Theo đó các làn điệu quen thuộc của đồng bào Hrê như cồng chiêng, hát Ta lêu, Ta choi, sáo Ta lía, đàn Vơ Roát, Rơ đon… trước đây dần dần bị mai một. Những ngày lễ tết, hội làng các làn điệu ấy dần bị biến mất, thay vào đó là những âm hưởng văn hóa hiện đại không phù hợp với truyền thống của đồng bào Hrê. Thời gian gần đây, nhiều đợt sưu tầm lưu truyền các nhạc cụ của người Hrê được ngành chức năng triển khai. Phong trào văn hóa, văn nghệ được tổ chức như lễ đâm trâu, lễ cầu mưa, hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi đàn và hát dân ca… là điều kiện để đồng bào Hrê ôn lại và phát huy giá trị văn hóa của địa phương đơn vị mình.
Ông Đinh Văn Ước chơi đàn Vơ Roát. |
Ở thị trấn Ba Tơ có ông Đinh Văn Ước, hàng ngày ông vẫn tìm từng khúc tre, quả bầu để làm nên những chiếc sáo Ta Lía, đàn Vơ Roát để lưu truyền cho thế hệ trẻ hôm nay. Đây là việc làm thiết thực để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người Hrê. Đồng thời cũng tạo nên những âm hưởng phong phú, nét đẹp truyền thống của những thiếu nữ Hrê khi mùa xuân về. Ông Đinh Văn Ước kể lại rằng: Từ khi ông còn đang công tác ở miền Bắc, tuy xa quê nhưng ông vẫn nhớ những làn điệu quen thuộc như sáo Ta Lía, đàn Vơ Roát, đàn Rơ Đon… Khi về lại miền Nam công tác, mặc dù bận nhiều công việc, nhưng ông vẫn tranh thủ tìm các dụng cụ cần thiết để chế tác lại các nhạc cụ truyền thống ấy. Với ông, làm lại những nhạc cụ này không phải để bán ra thị trường mà ông chỉ trưng bày tại bảo tàng khởi nghĩa, nhà truyền thống huyện để giới thiệâu các sản phẩm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những ngày về lại làng cũ tại xã Ba Tô, tiếng sáo của dân tộc mình không còn mà thay vào đó là những âm hưởng văn hóa hiện đại. Từ đó, ông càng xót xa và cố gắng làm thật nhiều để truyền lại cho đời sau. Ngày nay, những thanh niên trai làng đã biết làm nhạc cụ và ca hát những làn điệu quen thuộc của dân tộc mình.
Mong rằng những việc làm của ông Ước cần được chúng ta học tập làm theo để lưu truyền cho các thế hệ mai sau, để không khí ngày hội làng của đồng bào Hrê có được tiếng sáo Ta Lía, tiếng đàn Vơ Roát, Rơ đon ngân vang.
Ngọc Trí