Giao duyên qua tiếng đàn Ra-ngói của người H’re

02:05, 29/05/2009
.
Nghệ nhân Đinh Ngọc Su.
Nghệ nhân Đinh Ngọc Su.
Ngày xưa, thanh niên nam nữ dân tộc H’re đến tuổi trưởng thành dùng đàn Ra-ngói (đàn môi) để tìm hiểu, giao duyên với nhau. Nhiều đôi nam nữ đã thành vợ thành chồng qua tiếng đàn Ra-ngói.

 

 Có dịp về với buôn làng đồng bào H’re, được nghe, cảm nhận cái hay, cái đẹp của loại nhạc cụ và cũng là phương tiện giao duyên độc đáo này chắc chắn sẽ đọng lại trong mỗi chúng ta bao điều thú vị.
 

 

Người H’re gọi đàn môi là Ra-ngói. Về cấu tạo, hình dáng đàn Ra-ngói của người H’re cũng giống như đàn môi của nhiều cộng đồng dân tộc khác. Ra-ngói thường được làm bằng thanh gỗ, hình dáng, kích thước như chiếc ghim đan lưới của bà con vùng biển, ở giữa có thanh thép dẹt. Khi chơi loại nhạc cụ này, người chơi đưa đàn lên môi, một tay giữ, một tay gảy thanh thép, kết hợp với sự điều khiển của đầu lưỡi và đôi làn môi, tạo nên thứ âm thanh trầm, ấm, chuyển tải rất hiệu quả tình cảm yêu thương của con người.

 

Có lẽ vì Ra-ngói có khả năng thể hiện tình cảm hiệu quả như vậy, nên từ xa xưa thanh niên nam nữ dân tộc H’re thường dùng để giao duyên với nhau. Hình thức giao duyên khá độc đáo này đã trở thành nét đẹp trong đời sống cộng đồng. Nghệ nhân Đinh Ngọc Su khẳng định: "Trước kia người H’re chưa có phương tiện viết thư trao đổi tâm tình, Ra-ngói là phương tiện tỏ tình phổ biến và hiệu quả nhất".

 
 Cũng có lẽ vì hiệu quả như vậy mà thanh niên nam, nữ dân tộc H’re ngày xưa đến tuổi trưởng thành đều biết chơi đàn Ra-ngói. Trong túi áo họ lúc nào cũng thủ sẵn một chiếc đàn và sẵn sàng rung lên cùng với nhịp đập của trái tim trước người mình yêu thương.
   
 

Qua tiếng đàn ra-ngói, người con trai tỏ lòng với người con gái yêu thương thế này:

 

Em ơi em ơi! Em có ưng tôi không? tôi có đẹp không? tôi đẹp, em có ưng tôi thì hai đứa cùng tìm hiểu. Em chưa chồng, tôi chưa vợ, hãy nói với nhau cho biết!

 
 Nếu người con gái có cảm tình với người con trai, cũng dùng Ra-ngói tỏ rõ lòng mình:
 

Em chưa có chồng. Anh thương em thiệt tình thì em cũng thương anh. Mình đừng phỉnh nhau. Nếu phỉnh nhau là có lỗi với nhau. Phải cúng trâu cúng bò tạ lỗi với nhau. Đó là lời hứa với nhau. Em hứa với anh, anh hứa với em thật lòng, để sau này anh, em thành vợ chồng.

 
 Còn nếu như người con gái đã có người yêu, không thể nhận lời, sẽ khéo léo từ chối. Đại loại như, không ưng anh vì em đã có người này người kia, hay vì hoàn cảnh nào đó. Hoặc em là người thế này, thế nọ, em nghèo, em xấu, không có nhiều trâu, nhiều chinh, ché, không xứng với anh. Hoặc em không ưng không phải do anh xấu, do anh nghèo mà là do số phận, trời không cho chúng mình lấy nhau....
 

  Theo phong tục truyền thống của người H’re, sự chủ động bày tỏ tình cảm lứa đôi không phân biệt nam hay nữ chủ động trước, mà hoàn toàn bình đẳng với nhau. Trước người con trai khỏe mạnh siêng năng, giỏi làm cái rẫy, biết đánh túc-chinh hay, chơi đàn Ra-ngói hay, được người con gái đem lòng yêu thương và chủ động tỏ tình. Với người con gái dùng tiếng đàn Ra-ngói ghẹo người con trai thường ý nhị, kín đáo hơn:

 - Anh ơi, lúc giờ anh bận gì không. Anh không bận, về nhà em nói chuyện với nhau. Hoặc trách khéo:

- Lâu nay sao anh không đến thăm nhà em. Em ưng anh thăm nhà em để có dịp nói chuyện với nhau...

 Sau đó tiếp tục gặp nhau tìm hiểu và hợp nhau nên vợ nên chồng.
 

Ra-ngói với thanh niên nam nữ dân tộc H’re ngày xưa quan trọng như vậy, nên đến tuổi trưởng thành ai cũng học và biết đàn Ra-ngói. Sau một ngày làm việc trên nương, rẫy tối về đi chơi, thanh niên nam, nữ thường thủ sẵn đàn Ra-ngói trong túi áo. Đến nhà người mình yêu, dùng tiếng đàn để tán tỉnh, giao duyên:

 

  Em ơi em, em muốn nghe anh chơi đàn Ra-ngói hay không.
  Anh hãy đàn đi. Em sẵn sàng nghe anh đây.
 

Thế là tiếng đàn Ra-ngói thay tiếng nói con tim, ngân lên nhiều cung bậc, lúc nhẹ nhàng như tiếng xào xạc của lá rừng, lúc dịu nhẹ như giọt sương đêm tinh khiết và lúc tuôn trào như dòng thác, thổn thức lời yêu thương thay tiếng nói con tim.

 

Văn Bốn

 

 

 

 


.