Chính phủ đã có Nghị định ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, cho phép cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke từ ngày 1/1/2010.
Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 nêu trên có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2010 và thay thế Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18/11/2006 của Chính phủ đã ban hành trước đây về vấn đề này.
Tiếp tục cấp mới giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường
Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải xin phép cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền |
Đối với 2 lĩnh vực có thể coi là nhạy cảm nhất của kinh doanh văn hóa dịch vụ công cộng, Nghị định mới quy định khá rõ ràng và chặt chẽ về điều kiện cũng như thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, trách nhiệm của chủ kinh doanh vũ trường, karaoke,... Theo đó, các tỉnh, thành đã có quy hoạch về vũ trường và karaoke được tiếp tục cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường theo đúng quy hoạch.
Như vậy, sau hơn 4 năm tạm ngưng cấp phép mới kinh doanh karaoke, vũ trường thì từ ngày 1/1/2010 tới đây, việc cấp phép mới cho các hoạt động này sẽ được khôi phục. Có sự việc ngừng cấp phép này là do vào cuối năm 2004 đầu năm 2005, đã xảy ra những tiêu cực nghiêm trọng trong một số quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường nên ngày 25/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg về việc chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke và vũ trường. Trong đó, quy định tạm ngừng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước để các cấp, các ngành rà soát, đánh giá hoạt động của cơ sở hiện có, từ đó xây dựng quy hoạch và tăng cường biện pháp quản lý.
Theo Nghị định mới, điều kiện tiên quyết để kinh doanh vũ trường là phòng khiêu vũ phải có diện tích từ 80 m2 trở lên. Đối với việc kinh doanh karaoke thì phòng hát phải có diện tích từ 20m2 trở lên, cửa phòng phải là cửa kính không màu, không được đặt khóa, chốt cửa bên trong hoặc đặt các thiết bị báo động để đối phó với hoạt động kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hai địa điểm kinh doanh vũ trường và karaoke phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, di tích lịch sử, cơ quan hành chính nhà nước tối thiểu là 200m và không được phép hoạt động sau 12h đêm đến trước 8h sáng, trừ vũ trường, karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp thì được hoạt động sau 12h đêm nhưng cũng không quá 2h sáng.
Việc kinh doanh karaoke có địa điểm đặt tại khu dân cư thì cần phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
Đối với kinh doanh trò chơi điện tử, thay thế quy định trước đây cho được phép hoạt động đến 11 hđêm, Nghị định mới quy định kinh doanh trò chơi điện tử không được phép hoạt động sau 10h đêm đến 8h sáng. Như vậy, quy định mới đã siết chặt lại hoạt động vốn thu hút nhiều đối tượng tham gia, trong đó phổ biến là trẻ vị thành niên, góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội.
8 lĩnh vực cần quản lý, cấp phép
Cũng theo Nghị định 103/2009/NĐ-CP, có 8 lĩnh vực văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng cần phải được quản lý, cấp phép, gồm: Lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, hoạt động karaoke và hoạt động trò chơi điện tử và các hình thức vui chơi khác.
Đối với triển lãm văn hóa nghệ thuật thì địa điểm tổ chức triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; đảm bảo nội dung, hình thức của triển lãm đúng với hồ sơ đã đăng ký hoặc giấy phép đã được cấp.
Riêng với lễ hội dân gian đã được tổ chức thường xuyên, liên tục, định kỳ; lễ hội du lịch; các lễ hội được tổ chức từ lần thứ 2 trở lên (lễ hội được tổ chức sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội đã được tổ chức định kỳ nhưng có thay đổi nội dung, thời gian, địa điểm so với truyền thống và các lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài do tổ chức nước ngoài hoặc Việt Nam tổ chức) thì không cần phải xin giấy phép nhưng trước khi tổ chức phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Cũng nhằm hạn chế việc đặt biển hiệu quảng cao tràn lan, mất thẩm mỹ, Nghị định quy định biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, chữ nước ngoài phải ghi tên ở phía dưới với kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam. Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, trước mặt trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt 1 biển hiệu tại cổng.
Theo VGP