(Báo Quảng Ngãi)- Vụ việc nữ sinh Trường THCS Bình Chánh (Bình Sơn) bị nhóm bạn nữ cùng trường đánh hội đồng đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về bạo lực học đường (BLHĐ). Để xây dựng trường học an toàn, giảm thiểu BLHĐ đòi hỏi sự vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
[links()]
Hiệu trưởng Trường THCS Bình Chánh Nguyễn Hồng Hiệp cho biết, nhà trường rất tiếc khi xảy ra BLHĐ. Trước vụ việc nữ sinh lớp 7 của trường bị đánh hội đồng vào cuối tháng 10/2022, nhà trường đã họp hội đồng xử lý kỷ luật. Theo đó, tạm dừng việc học 4 ngày đến 1 tuần và xếp hạnh kiểm học kỳ I, năm học 2022 - 2023 thuộc loại yếu đối với các em vi phạm. Những em quay video và chia sẻ với người khác hay chứng kiến vụ việc nhưng không báo với nhà trường cũng bị xử lý tùy mức độ. Đối với nữ sinh bị đánh, nhà trường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương nhiều lần thăm hỏi, động viên. Giáo viên chủ nhiệm và 2 giáo viên phụ trách tâm lý học đường cũng đã tư vấn tâm lý để em sẵn sàng quay lại trường học.
Cô giáo Trần Thị Kim Huệ (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), trang bị kỹ năng mềm cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh. |
Nhìn nhận về vấn đề BLHĐ, em Lê An Nhiên, lớp 10 Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho hay, BLHĐ là hành vi đáng lên án, vì không chỉ gây tổn thương cho nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Bạo lực học đường không nên tồn tại. Vì vậy, nhà trường cần có những buổi ngoại khóa để tuyên truyền cho học sinh về việc phòng, tránh BLHĐ.
Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Trần Quang Hồng cho biết, nhà trường đã tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề nhằm giúp học sinh có được các kỹ năng góp phần phòng, tránh BLHĐ. Học sinh của trường đều chăm ngoan, nên nhà trường cũng nhẹ nhàng hơn trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa học sinh với nhau thì thầy cô khó mà nắm bắt hết được. Vì vậy, nhà trường luôn quan tâm, theo dõi nền nếp sinh hoạt, học tập và kịp thời giáo dục, uốn nắn học sinh.
Thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Thị Kim Huệ cho rằng, để giảm thiểu BLHĐ cần phải thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp cơ bản. Đó là tác động trực tiếp đến học sinh; thực hiện các giải pháp đối với gia đình và nhóm giải pháp đối với nhà trường. Trong đó, học sinh cần được giáo dục về kỹ năng sống cân bằng, kết nối; kỹ năng xây dựng tình bạn, tình yêu lứa tuổi học trò; kỹ năng giao tiếp, ứng xử; kỹ năng quản lý cảm xúc để phòng BLHĐ. Bên cạnh đó, các em cũng cần được giáo dục về tình huống nguy cơ, hành vi, hậu quả BLHĐ; cách ứng phó tích cực với BLHĐ. Các nội dung này được thực hiện thông qua việc tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, tư vấn tâm lý và các hoạt động trải nghiệm...
Theo cô Huệ, mỗi giáo viên cần xem trọng vai trò và lồng ghép hợp lý giáo dục kỹ năng sống vào mỗi giờ học. Đồng thời, cần đưa hoạt động của tổ tư vấn tâm lý học đường ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, tránh hình thức, đối phó. Xem trọng và tổ chức thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo đúng các yêu cầu về mục tiêu, nội dung, phương pháp đã được hướng dẫn trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, phụ huynh cũng cần xây dựng môi trường gia đình an toàn, bình đẳng, tôn trọng, không bạo lực; xóa bỏ những quan điểm tiêu cực, định kiến trong giáo dục trẻ. Phụ huynh phải quan tâm đúng mực, tránh tạo ra các chấn thương tâm lý ở trẻ; không để trẻ chứng kiến các hành vi bạo lực của ông bà, bố mẹ với các thành viên gia đình; tăng cường sự kết nối để giúp trẻ cân bằng cuộc sống và quan tâm đến tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ bạn bè của con, nhằm góp phần giảm thiểu BLHĐ...
Công khai đường dây nóng
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái, việc thực hiện công tác phòng, chống BLHĐ và xây dựng văn hóa ứng xử tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên và hiệu quả chưa rõ nét. Vì vậy, Sở GD&ĐT yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục tiếp tục xây dựng bộ Quy tắc ứng xử tại cơ sở giáo dục, nội quy, quy chế; niêm yết giờ hoạt động, thông tin về đường dây nóng; thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc đảm bảo an toàn trong khu vực trường học, cơ sở giáo dục. Các trường học cần thực hiện đầy đủ các quy định của cấp có thẩm quyền, ngành GD&ĐT về công tác xây dựng văn hóa ứng xử, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có ma túy và BLHĐ.
|
Bài, ảnh:
TRỊNH PHƯƠNG