Hình thành kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh

10:10, 31/10/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hình thành kỹ năng làm việc nhóm cho học sinh (HS) là phương pháp dạy học tích cực. Qua đó, tạo điều kiện cho HS tham gia vào bài học một cách chủ động và học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
 
[links()]
 
Học sinh mạnh dạn bày tỏ ý kiến
 
Trong một giờ làm việc nhóm môn Ngữ văn của học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, cô giáo nêu vấn đề, các nhóm cùng trao đổi, thảo luận với nhau về vấn đề liên quan đến bài học. Các thành viên trong nhóm tập hợp ý kiến rồi thống nhất, sau đó trình bày trước lớp. Các nhóm khác lắng nghe rồi nhận xét, bổ sung, trao đổi, tranh luận dưới sự dẫn dắt của cô giáo.
 
Học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Lê Khiết trao đổi cùng nhau trong tiết học theo hình thức hoạt động nhóm.
Học sinh lớp 11 Anh 1, Trường THPT Chuyên Lê Khiết trao đổi cùng nhau trong tiết học theo hình thức hoạt động nhóm.
Em Phạm Thủy Hiền, lớp 11 Anh 1 cho biết, để hoạt động nhóm đạt hiệu quả, HS phải mạnh dạn chia sẻ, đóng góp ý kiến về bài học. Mỗi thành viên trong nhóm phải chuẩn bị bài, tìm hiểu nội dung bài học tại nhà để tự tin chia sẻ ý kiến. “Làm việc nhóm là hoạt động rất cần thiết, góp phần mang lại hiệu quả cao đối với việc học. Mỗi bạn đều có cơ hội góp ý, đóng góp ý kiến của mình. Nhiều bạn có góc nhìn sáng tạo và mới mẻ sẽ giúp cho nhóm hiểu bài hơn”, em Hiền bộc bạch.
 
Hình thức làm việc theo nhóm trong tiết học ở các trường đã được tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, thì hoạt động nhóm có những đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS. Theo đó, giáo viên tích cực đưa hình thức làm việc nhóm vào các tiết học trên lớp. Cô giáo Võ Hồng Noen, dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Khiết cho biết, làm việc theo nhóm là một hình thức có tác dụng và có sức hấp dẫn đối với người học. “Để có một tiết học hiệu quả, ngoài việc HS tự rèn luyện khả năng tự học, thì cần phải có sự hướng dẫn cụ thể của giáo viên. Trong quá trình hoạt động nhóm, các em rèn luyện khả năng giao tiếp, làm chủ cảm xúc, lắng nghe và lĩnh hội khả năng lên kế hoạch tổ chức để tiết học đạt hiệu quả”, cô Noen chia sẻ.
 
Quan tâm, chia sẻ với bạn bè
 
Kỹ năng học tập, làm việc theo nhóm còn được chú trọng ở HS tiểu học. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Loan, giáo viên Trường Tiểu học số 1 Bình Nguyên (Bình Sơn) cho biết, kỹ năng làm việc nhóm rất cần thiết cho HS khi các em sống và học tập trong môi trường tập thể. Học sinh không chỉ được tự do khám phá, sáng tạo, mà còn biết quan tâm, chia sẻ với bạn bè xung quanh. Thông qua làm việc nhóm, các em cũng tự tìm được sự hứng thú, vui vẻ trong quá trình học tập. “Học sinh tự phát huy năng lực trong làm việc nhóm. Các em có ý thức làm việc chung, bổ sung cho nhau, phát huy năng lực của từng bạn”, cô Loan cho hay.
 
Một tiết học làm việc nhóm của học sinh trường  phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng).
Một tiết học làm việc nhóm của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng).
Giáo dục HS làm việc theo nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực, ở đó giáo viên sẽ đưa ra những gợi ý mang tính gợi mở để các em thảo luận và tự đưa ra kết luận cuối cùng. Phương pháp này giúp phát huy khả năng sáng tạo, sự chủ động và tính tích cực của HS. Mục tiêu là giúp HS giữ vai trò trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong mọi hoạt động dạy và học. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Cao (Sơn Hà) Ngô Văn Thạnh, ở miền núi, HS là người dân tộc thiểu số các khối lớp 1, 2 và 3 còn hạn chế trong nói và viết tiếng Việt, nên học tập, hoạt động theo nhóm chỉ phù hợp với các em HS khối lớp 4, 5 trở lên. Ngoài kiến thức của giáo viên truyền đạt, khi làm việc theo nhóm, HS còn độc lập tìm hiểu những nội dung liên quan nên nhớ bài lâu hơn. Các em mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, học tập.
 
"Nhờ vào quá trình học tập, hoạt động nhóm, nhiều HS phát huy được năng lực của bản thân. Các em tiến bộ rất nhiều về các kỹ năng nói, trả lời câu hỏi, bày tỏ ý kiến và mạnh dạn, tự tin khi thể hiện bản thân. Nhờ đó, HS có nhiều cơ hội để diễn đạt và khám phá ý tưởng của mình, phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân, vừa có cơ hội để học tập từ các bạn qua cách làm việc, hợp tác giữa các thành viên trong nhóm", thầy Thạnh nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.