Phát triển kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên

11:09, 10/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên (HS, SV) luôn được ngành giáo dục và tổ chức đoàn thanh niên quan tâm thực hiện, trong đó có việc hình thành các kỹ năng mềm. 
 
[links()]
 
Dạy chữ đi đôi với dạy làm người
 
Chương trình Giáo dục phổ thông mới cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp HS phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Qua đó, giúp các em có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
 
Học sinh Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn) tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ năm 2022.
Học sinh Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn) tham gia chiến dịch Hoa phượng đỏ năm 2022.
Những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất trường học, ngành giáo dục tăng cường bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học. Giáo viên không truyền thụ kiến thức một chiều mà giao quyền chủ động cho HS. Trong giờ học, HS được chia thành từng nhóm nhỏ để cùng thảo luận, thuyết trình về nội dung bài học, từ đó giúp các em rèn luyện tính chủ động, ứng xử nơi đông người. Song song với tiếp nhận kiến thức, HS còn được rèn luyện đạo đức và nhân cách để có nhận thức đúng đắn về bản thân và xã hội...
 
Em Tống Thị Thùy, lớp 12C4, Trường THPT Vạn Tường (Bình Sơn) chia sẻ, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội cho HS. Đơn cử như tổ chức diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường"; tư vấn tâm lý; tổ chức chiến dịch “Hoa phượng đỏ năm 2022”, làm sạch đẹp khuôn viên khu vực địa đạo Đám Toái, ở xã Bình Châu (Bình Sơn)... "Về nguồn tại địa đạo Đám Toái, nghe kể câu chuyện lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, em càng thêm tự hào về thế hệ cha ông đã anh dũng hy sinh để ngày hôm nay chúng em được sống trong hòa bình, no ấm. Em sẽ nỗ lực học tập để mai này giúp ích cho quê hương, đất nước", em Thùy bày tỏ.  
 
Rèn luyện kỹ năng mềm
 
Phó phòng phụ trách Phòng Khảo thí - Đảm bảo chất lượng giáo dục (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) Huỳnh Triệu Vỹ cho biết, bên cạnh chương trình giáo dục chính khóa, nhà trường lồng ghép nhiều chương trình phát triển kỹ năng để SV tự tin trong giao tiếp, học tập. Trong các tiết học, giảng viên lồng ghép giảng dạy cho SV kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, báo cáo thuyết trình... Theo ông Huỳnh Triệu Vỹ, SV không đảm bảo các kỹ năng mềm, thiếu tự tin, không có khả năng thuyết trình thì khó phát triển trong môi trường làm việc sau này. Vì vậy, ngay từ khi các em còn học trong trường phải tích cực rèn luyện, phát triển kỹ năng mềm. 
 
Phân hiệu Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi tạo điều kiện để SV tham gia công tác cộng đồng. Trưởng phòng Giáo vụ và Công tác sinh viên, Phân hiệu Đại học Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Ngãi Nguyễn Văn Cường cho biết, những năm gần đây, nhà trường luôn tổ chức cho SV tham gia các dự án cộng đồng; đồng thời đẩy mạnh kết nối với các công ty để SV được trải nghiệm, tăng cường kỹ năng mềm...
 
Theo các nhà quản lý giáo dục, phát triển giáo dục toàn diện trong nhà trường đòi hỏi phải phát triển năng lực người học ở mọi mặt. Giáo dục toàn diện hướng tới sự hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho HS, SV. Trong đó, cần chú trọng rèn kỹ năng sống, hình thành tư duy linh hoạt, phong thái tự tin, giúp các em có kỹ năng ứng xử thân thiện trong mọi tình huống.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.