(Báo Quảng Ngãi)- Để phù hợp với điều kiện dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh chương trình giảng dạy đối với bậc tiểu học.
[links()]
Tích hợp nội dung giảng dạy
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đối với lớp 1, lớp 2, các trường nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới, các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có thể hướng dẫn cho học sinh (HS) tự học dưới sự hỗ trợ của phụ huynh.
Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Bình (Trà Bồng) Đào Thị Tâm kiểm tra các nội dung năm học 2021 - 2022. ẢNH: T.P |
Cô giáo Phan Thị Minh Cẩm, giáo viên (GV) Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Đinh Thanh Kháng (Sơn Tây) cho biết, tổ chuyên môn của trường đã linh hoạt điều chỉnh khung chương trình từ 35 tuần xuống còn 33 tuần để phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, gộp bài của 2 tuần đầu tiên vào 4 tuần tiếp theo để HS được học lại từ đầu. Cùng với đó là giảm một số nội dung như bỏ một số bài luyện tập, ôn tập; dạy bài mới để HS theo kịp chương trình. Học sinh miền núi còn những hạn chế nhất định, vì vậy trong quá trình dạy học, GV sẽ theo dõi để kịp thời lấp lỗ hổng kiến thức cho các em.
Xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp
Đối với các khối lớp 3, 4, 5, các trường rà soát lại nội dung chương trình, mức độ cần đạt của từng khối, lớp đối với các môn học bắt buộc để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Thực hiện tinh giản nội dung, giúp HS hoàn thành các nội dung cốt lõi theo hướng tinh giản mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng đối với từng môn học; tinh giản nội dung có trong sách giáo khoa vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng ở từng lớp; tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học; tích hợp một số nội dung trong môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập để tiết kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo quy định của chương trình.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tịnh Hà (Sơn Tịnh) Lê Thị Nga, trường chủ động giảm một số tiết học, gộp chung phần lý thuyết của một số bài vào phần bài tập, GV giao một số nội dung để HS làm tại nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Ngoài ra, trường có 2 kế hoạch vừa dạy trực tuyến, vừa dạy trực tiếp nhằm kịp thời chuyển đổi phương thức dạy học khi tình hình dịch được khống chế.
Giảm chương trình đồng nghĩa với việc giảm áp lực cho cả GV và HS. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dạy và học, đòi hỏi các cơ sở giáo dục, nhất là GV phải có sự chủ động, linh hoạt, chịu khó đổi mới, tìm tòi phương pháp giảng dạy sáng tạo nhằm tạo sự hứng khởi, thích thú và ý thức tự học tập cho HS.
Không kiểm tra, đánh giá nội dung tinh giảm
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho biết, các phòng GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện chương trình giảng dạy phù hợp; tăng cường hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các trường tập trung dạy học trực tiếp để tổ chức ôn tập, bổ sung các nội dung kiến thức cần thiết cho HS trước khi dạy nội dung mới và kiểm tra, đánh giá theo quy định. Không tổ chức kiểm tra, đánh giá các nội dung, yêu cầu đã được tinh giảm, các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự học.
|
TRỊNH PHƯƠNG