Những thủ khoa Quảng Ngãi: Nghị lực và hoài bão

02:02, 12/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong số 85 tân thủ khoa và sinh viên xuất sắc các trường đại học được tôn vinh và nhận học bổng của chương trình “Nâng bước Thủ khoa” năm 2020, của Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam (Trung ương Đoàn TNCSHCM), do báo Tiền Phong làm thường trực có đến 14 sinh viên là người con quê hương Quảng Ngãi. Mỗi bạn sinh viên là một câu chuyện xúc động, tiêu biểu về khát vọng, hoài bão và nghị lực vươn lên làm chủ cuộc đời của các bạn trẻ.   
[links()]
Vượt lên chính mình
 
Là người trực tiếp tham gia thẩm định hồ sơ, xét duyệt học bổng chương trình “Nâng bước Thủ khoa” 2020, tôi không khỏi bần thần khi cầm trên tay hồ sơ của Đinh Thị Huệ, cô sinh viên người Hrê ở huyện miền núi Sơn Hà. Tôi cứ tự hỏi, không hiểu bằng cách nào mà cô gái nhiều nỗi bất hạnh này có thể trở thành một thủ khoa của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Cho đến khi trực tiếp gặp và nghe Huệ tâm sự, tôi mới cảm nhận được phần nào những nỗ lực của cô. 
 
Đinh Thị Huệ được Ban tổ chức Chương trình “Nâng bước Thủ khoa” năm 2020 tôn vinh và trao học bổng.	                  Ảnh: Đại Dương
Đinh Thị Huệ được Ban tổ chức Chương trình “Nâng bước Thủ khoa” năm 2020 tôn vinh và trao học bổng. Ảnh: Đại Dương
Bố bỏ đi khi Huệ vừa lọt lòng, một mình mẹ bươn chải với ruộng đồng, làm thuê để nuôi Huệ. Năm Huệ 13 tuổi, mẹ mắc bệnh nan y rồi qua đời, để lại Huệ một mình. Nỗi đau quá lớn, khiến Huệ suy sụp. “Nhiều lần em nghĩ đến chuyện quyên sinh để giải thoát cho bản thân”, Huệ kể trong nước mắt. May có người thân và thầy cô, bạn bè quan tâm động viên, Huệ dần vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần.
 
Kể từ ngày mẹ mất, Huệ sống với cậu mợ. Cậu sức yếu, nên trụ cột kinh tế của gia đình dồn lên vai mợ. Hai năm sau, mợ cũng mất. Cậu lại phải một mình chèo chống nuôi cháu nội mồ côi cha và lo cho Huệ ăn học. Để giúp cậu mưu sinh, ngoài giờ đến trường, Huệ còn làm việc nhà, làm rẫy, rồi việc đồng áng, tối đến mới có thời gian học bài.
 
Năm Huệ học lớp 12, cậu cũng qua đời vì bệnh, Huệ sống với người mợ thứ tư là bà Đinh Thị Lép. “Ngày nào đi học thì thôi, không thì Huệ lại cặm cụi vào rừng nhặt củi hay bóc vỏ keo, trồng keo, chăn bò thuê”, bà Lép kể. Bà Lép góa chồng, cuộc sống thiếu thốn trăm bề. “Lúc nghe tin cháu đỗ đại học, tôi phải chạy vay mượn hàng xóm từng đồng để cho cháu đi học”, bà Lép thổ lộ. Lo lắng, nhưng bà Lép luôn tự hào về đứa cháu gái chăm ngoan và học giỏi.
 
Không riêng với bà Lép, Huệ còn là niềm tự hào của người dân xã Sơn Ba (Sơn Hà) và của thầy cô, bạn bè. Cô Ngô Thị Thùy Trang, giáo viên chủ nhiệm Huệ suốt ba năm cấp 3, cho biết: “Huệ rất hiếu học, học tốt và chăm ngoan, là học sinh tiêu biểu của trường, dù hoàn cảnh của em rất đặc biệt. Tôi tin sau này Huệ sẽ thành công”.
 
Bằng nghị lực phi thường, cô bé mồ côi nhiều năm liền đều đạt học sinh khá và trở thành thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm mầm non, Trường Đại học Phạm Văn Đồng năm 2020. “Em luôn tự hứa với mình phải cố gắng học tập. Có kiến thức thì mình mới có thể thoát nghèo được”, Huệ chia sẻ. Nói về bí quyết học tập, Huệ thẳng thắn: “Chẳng có bí quyết gì cả, chỉ cần rèn tính kỷ luật trong việc học và vạch ra kế hoạch học tập cho bản thân, đồng thời thường xuyên đọc sách để nắm bắt được kiến thức và mở rộng vốn từ”.
 
Cảm kích trước hoàn cảnh và nghị lực của cô thủ khoa mô côi, ngoài suất học bổng trị giá 10 triệu đồng, đại diện Thường trực Quỹ Tài năng trẻ Việt Nam đã quyết định hỗ trợ cho Huệ mỗi tháng 2 triệu đồng trong suốt những năm cô học đại học.
 
Chủ động cho tương lai
 
Không ỷ lại hay chờ đợi người khác, nhiều thủ khoa đã chủ động xây dựng kế hoạch cho hành trình bước tới tương lai của mình. Ba làm nghề sửa xe máy, mẹ may gia công, thu nhập khá bấp bênh nên cô học trò chuyên Sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Hoàng Khánh Thi đã sớm phải đi làm phụ giúp gia đình.  
Nguyễn Hoàng Khánh Thi, Thủ khoa đầu vào năm 2020 của Trường Đại học Sài Gòn.
Nguyễn Hoàng Khánh Thi, Thủ khoa đầu vào năm 2020 của Trường Đại học Sài Gòn.
Để giảm gánh nặng tài chính cho ba mẹ, năm lớp 12, Khánh Thi quyết định chuyển hướng sang ngành học xã hội thay cho ngành Y như cô dự định ban đầu. Và thay vì đi học thêm để theo kịp kiến thức, Khánh Thi chủ yếu tự học ở nhà. Vừa học, cô vừa đi làm để có thêm tiền học. Mặc dù vậy, Khánh Thi đặt mục tiêu cho mình phải trở thành thủ khoa nên dù học chuyên Sinh, nhưng Khánh Thi vẫn xuất sắc trong kỳ thi THPT và trở thành thủ khoa đầu vào tổ hợp khối C ngành Việt Nam học của Trường Đại học Sài Gòn.
 
Khánh Thi cho hay: Từ nhỏ em đã ước mơ được đặt chân đến nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S để khám phá những cảnh đẹp, văn hóa, ẩm thực của các vùng miền. Vì vậy, em chọn ngành Việt Nam học, không chỉ vì hoàn cảnh gia đình mà còn để có điều kiện tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, nhất là việc nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc thiểu số.
 
Ngay từ những ngày đầu vào Sài Gòn, Khánh Thi đã tìm việc làm để kiếm thêm tiền ăn học. Cô đặt mục tiêu hết học kỳ một năm thứ nhất sẽ tự lo được cho bản thân mà không phải xin tiền ba mẹ. Hiện Khánh Thi nhận làm việc dịch tiếng Trung cho phim. Đây là công việc cô đã làm từ năm lớp 12 và bây giờ tiếp tục. Vốn tiếng Trung cô có được là do tự học trên mạng, học qua phim ảnh. Khánh Thi cũng gia nhập các CLB Văn hóa du lịch, CLB Công tác xã hội... để chủ động hơn trong việc học hỏi những kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội làm thêm. Cô gái cựu học sinh trường chuyên Lê Khiết xác định trước mắt, ngoài cố gắng học tốt sẽ thử sức ở các lĩnh vực du lịch để tự nhận ra đâu là sở trường của mình, từ đó lựa chọn con đường phù hợp và tốt nhất cho tương lai của bản thân.
 
Quyết không bỏ cuộc
 
Dịch Covid-19 và bão lũ đã khiến bao gia đình điêu đứng khi nhà cửa, hoa màu bị hư hại nặng nề; công việc, thu nhập cũng ảnh hưởng khiến đời sống vô cùng khó khăn. Con đường đến tương lai của bao bạn trẻ trở nên vô cùng gian khó. Song, không những không chùn chân hay gục ngã, nhiều bạn trẻ đã quyết chí vượt qua gian khó để tiếp tục giấc mơ của cuộc đời.    
Tác giả (giữa) và 6 sinh viên suất sắc của Trường ĐH Phạm Văn Đồng được tôn vinh và nhận học bổng của Chương trình “Nâng bước Thủ khoa” năm 2020.	     Ảnh: Đại Dương
Tác giả (giữa) và 6 sinh viên suất sắc của Trường ĐH Phạm Văn Đồng được tôn vinh và nhận học bổng của Chương trình “Nâng bước Thủ khoa” năm 2020. Ảnh: Đại Dương
“Nhà em, sau một ngày bão, một ngày lụt thì không còn gì”, Phạm Thị Thử, ở thôn Ngọc Dạ, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) nói về hậu quả trận bão số 9 năm 2020 kinh hoàng vừa quét qua quê hương. Thử cho biết: Nhà cửa bị tốc mái, hoa màu, vật nuôi cũng tiêu tan. Cha cô lại không may bị tai nạn trong lúc dọn dẹp đống đổ nát sau bão lụt. Vì gia cảnh khó khăn, Thử đã từng bỏ lỡ việc học để đi làm kiếm tiền nuôi ước mơ đến trường. Với sự nỗ lực vừa học vừa làm, năm 2020 Thử đã tự tin bước vào cổng Trường Đại học Quy Nhơn. Cô theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch để quảng bá, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. 
 
Bố làm bảo vệ ở một trường mầm non, mẹ thu lượm ve chai, gia đình cô học sinh giỏi Văn cấp tỉnh của Trường THPT Trần Quốc Tuấn (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Ngọc Huyền từng lâm cảnh lay lắt. Khi dịch Covid-19 bùng phát, trường học đóng cửa, trong khi mẹ lại bị bệnh không thể đi làm, cả gia đình Huyền với 5 người phải sống bằng số tiền trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng của trường dành cho bố. “Gia đình em phụ thuộc hoàn toàn vào số tiền đó và số tiền thu lượm ve chai Huyền chia sẻ. Trong cùng cực, Huyền và hai em vẫn quyết tâm học tập tốt để theo đuổi ước mơ của mình và cũng là để đỡ đần bố mẹ về sau. Huyền đã trở thành thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm Tiếng Anh, Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Vừa học, Huyền vừa làm thêm, phụ bán quán để kiếm tiền trang trải việc học. “Em sẽ không bỏ cuộc, không đầu hàng số phận”, Huyền quả quyết. Cô hạ quyết tâm học để thoát nghèo và giúp những người có hoàn cảnh giống mình thoát nghèo.
 
“Không được phép nản chí hay lùi bước” cũng là quyết tâm của Hồ Việt Thắng - tân sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nghèo tại xã Bình Hiệp (Bình Sơn), Thắng sớm phải vừa học vừa làm việc đồng áng phụ giúp cha mẹ. Nỗi vất vả, cực khổ của cha mẹ chính là động lực to lớn để Thắng không ngừng cố gắng và em đã đứng trong top 3 đầu vào năm 2020 của Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn. Ước mong của Thắng là trở thành một lập trình viên giỏi để giúp ích cho đất nước, xã hội và gia đình.
 
ĐẠI DƯƠNG
 

.