Trò nghèo chia nhau từng bữa cơm muối

09:01, 13/01/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Dù chỉ là miếng cơm với muối, rau rừng, ốc suối... nhưng các học sinh vùng cao tại điểm trường thôn Cả, xã Trà Hiệp (Trà Bồng) vẫn chia sẻ cho nhiều bạn không có cơm. Những bữa cơm tạm ấy, không chỉ thiếu thịt, cá mà còn không đủ no, nhưng dường như ngon đến lạ…
Sẵn sàng sẻ chia cơm muối với bạn
 
Điểm trường thôn Cả, xã Trà Hiệp, cách trung tâm huyện Trà Bồng gần 30 km về phía Tây Bắc. Trà Hiệp là một trong những xã vùng sâu, vùng xa và nghèo nhất của huyện Trà Bồng. Điểm trường thôn Cả có 3 phòng học, gồm 1 phòng của bậc Mầm non và 2 phòng của bậc Tiểu học. Trong đó, học sinh lớp 1 học phòng riêng, còn học sinh lớp 2, lớp 3 phải học ghép. Các phòng học ở đây nhỏ hẹp, mưa dột, nắng chiếu.
Hầu hết những bữa cơm bán trú dân nuôi mà các em mang đến trường chỉ có muối vừng ăn cùng cơm lúa rẫy. Nhưng có nhiều em còn không được chuẩn bị cơm, nên được các bạn cùng lớp chia sẻ để cùng ăn
Hầu hết những bữa cơm bán trú dân nuôi mà các em mang đến trường chỉ có muối vừng ăn cùng cơm lúa rẫy. Nhưng có nhiều em còn không được chuẩn bị cơm, nên được các bạn cùng lớp chia sẻ để cùng ăn
Đến điểm trường này vào một ngày mưa lạnh, chúng tôi mới thấu hiểu sự thiếu thốn trong dạy, học, ăn ở của thầy và trò vùng cao nơi đây. Giờ cơm trưa của học sinh bậc Mầm non thôn Cả với những chiếc cặp lồng mang theo từ sáng sớm được các em mang ra bàn ăn. 28 học sinh nhưng chỉ có 23 cặp lồng cơm, bởi có 5 em không mang cơm cho bữa trưa. Hầu hết trong các cặp lồng chỉ có một ít cơm với rau rừng, muối, ốc suối. Chỉ có 1-2 em được cha mẹ chuẩn bị thêm miếng cá hoặc thịt kho mặn. Điều đáng ngạc nhiên là các em rất có ý thức trong việc “sẻ chia”, dù chỉ miếng cơm với rau.
 
Cô Hồ Thị Cam, giáo viên phụ trách bậc Mầm non thôn Cả cho hay, do điều kiện kinh tế của các hộ dân trong thôn còn nhiều khó khăn, nên các em cũng không được bố mẹ quan tâm nhiều. Các em đều học bán trú buổi trưa nhưng không phải em nào cũng mang theo cơm. Do đó, khi thấy em nào không có cơm, giáo viên sẽ xin cơm của các bạn khác để các em đều được ăn trưa.
 
“Quan điểm của giáo viên là các em đều được ăn nhưng sẽ có một số em ăn không đủ no. Các em ăn uống thiếu thốn như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất, trí tuệ. Thương các em, nhiều lúc tôi phải mang theo mì tôm để nấu cho các em ăn thêm”-- cô Hồ Thị Cam chia sẻ.
 
Ngoài bậc Mầm non, điểm trường thôn Cả còn có 40 học sinh bậc Tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3. Thức ăn cho bữa trưa của các em vẫn chỉ là những gì rất đơn sơ mà phụ huynh mang về từ núi rừng. Cũng có em không mang theo cơm.
 
Xót thương trước sự thiếu thốn của các em, những giáo viên nơi đây đành “bất lực” bởi bữa trưa của họ cũng không khác học sinh bao nhiêu. Cô Trịnh Thị Lệ, giáo viên phụ trách lớp 2, lớp 3, điểm trường thôn Cả, cho biết: Tôi đã dạy ở điểm trường này 2 năm, do đó việc bữa trưa của các em thiếu thốn tôi cũng đã quen. Nhưng như bản thân tôi, bữa trưa cũng phải mang theo cơm hoặc ăn mì tôm, nên chỉ có thể chia sẻ cho các em, còn để lo cho các em những bữa cơm đủ no hay đủ ngon thì vượt quá khả năng của tôi.
Các giáo viên cũng chia sẻ rất nhiều với các em để giúp các em được ăn no, nhưng nhiều khi bất lực vì điều kiện kinh tế không đảm bảo
Các giáo viên cũng chia sẻ rất nhiều với các em để giúp các em được ăn no, nhưng nhiều khi bất lực vì điều kiện kinh tế không đảm bảo
Để việc chia sẻ cơm trưa của các em được thuận lợi, mỗi lần họp phụ huynh, giáo viên phụ trách đều trao đổi việc chia sẻ phần cơm của các em và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Chị Hồ Thị Vỹ, phụ huynh một học sinh cho biết: Việc chia sẻ cơm trưa của các con đã được các thầy, cô trao đổi, phụ huynh rất ủng hộ. Ở nhà tôi cũng hay dặn con là hôm nào có nhiều cơm phải chia sẻ cho các bạn không mang cơm. Nhờ đó mà có những hôm đi rẫy không về tôi rất yên tâm vì con sẽ được các bạn khác chia cơm và không bị đói”.
 
Nan giải chất lượng bữa cơm bán trú dân nuôi
 
Xã Trà Hiệp có một điểm trường chính và 4 điểm trường lẻ với 235 học sinh. Hầu hết học sinh của các trường đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh ở các điểm lẻ. Đối với học sinh vùng cao, việc vận động các em đến lớp đã khó, nhưng để các em đi học đầy đủ lại càng khó hơn. Trong khi đó, điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn đã ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học của học sinh, do đó nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học.
Điều kiện kinh tế ở vùng sâu vùng xa thuộc 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi còn khó khăn, nên rất nhiều em học sinh chưa thể có được một bữa cơm trưa đủ đầy
Điều kiện kinh tế ở vùng sâu vùng xa thuộc 6 huyện miền núi của Quảng Ngãi còn khó khăn, nên rất nhiều em học sinh chưa thể có được một bữa cơm trưa đủ đầy
“Học sinh ở điểm trường chính sẽ được học bán trú, còn tại 4 điểm trường lẻ thì các em chỉ ở lại buổi trưa và phụ huynh phải tự chuẩn bị cơm cho các em mang theo. Dù thời gian gần đây, đời sống của người dân địa phương đã có nhiều khởi sắc, nhưng vào mùa mưa thì gần như kinh tế của hộ nào cũng khó khăn, ảnh hưởng đến bữa ăn của các em. Việc ăn không đủ no, không đủ chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến việc học tập. Biết các em thiếu thốn nhưng nhà trường cũng “bất lực” vì không có kinh phí”- Thầy Bùi Công Bàng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Trà Hiệp cho hay.
 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, hiện Quảng Ngãi có 207 điểm trường lẻ tại 6 huyện miền núi. Các điểm trường này thường cách xa trường chính và học sinh chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế khó khăn. Do đó, việc học sinh chia sẻ cơm trưa cho nhau không chỉ có tại thôn Cả, xã Trà Hiệp, đây còn là thực trạng chung của học sinh tại các điểm trường miền núi trong tỉnh.
 
“Để hỗ trợ cơm trưa cho học sinh tại các điểm trường lẻ trên địa bàn 6 huyện miền núi là rất khó. Tuy nhiên, để học sinh miền núi được bán trú, ăn ở tại trường trong điều kiện tốt hơn thì Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã giao cho các Phòng Giáo dục khảo sát, lập lộ trình sáp nhập các điểm trường lẻ về trường chính trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, thực tế có nhiều thôn, bản cách xa điểm trường chính nên rất khó khăn trong việc sáp nhập”, ông Nguyễn Kiên- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho hay.
 
Bài, ảnh: PV

 


.