(Báo Quảng Ngãi)- Mùa mưa đến, dòng sông Rinh trở nên hung hãn. Vì vậy hành trình vượt sông đến lớp dạy học của cô giáo trẻ Nguyễn Thị Tường Vi (35 tuổi), công tác ở điểm trường Nước Rinh, Trường Mầm non Hướng Dương, xã Sơn Bao (Sơn Hà), lại thêm nỗi gian truân, hiểm nguy...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hành trình đầy gian nan
Ngồi trên chiếc thuyền nan chòng chành, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy, vậy mà cô giáo Vi vẫn bình thản. Không phải không sợ sự hung hãn của dòng nước, mà đây là con đường đến trường duy nhất đã bao tháng ngày cô Vi vượt qua để đến lớp.
Không chỉ vượt sông, mà đoạn đường từ điểm trường chính ra sông và đoạn đường từ bờ sông bên kia đến điểm trường lẻ cũng hiểm nguy không kém. Mùa mưa lũ, con đường trở nên trơn trượt. Cô Vi phải đi cùng đồng nghiệp dạy trường kế bên để được hỗ trợ khi cần.
Cô giáo Nguyễn Thị Tường Vi cùng học sinh ở điểm trường mầm non Nước Rinh, xã Sơn Bao (Sơn Hà). |
Vượt qua dòng sông Rinh hung dữ trong mùa nước lớn, rồi phải lội bộ hơn 1km đường đồi núi để đến điểm trường nằm trên lưng chừng đồi, vậy mà cô giáo trẻ ấy vẫn quyết tâm đem con chữ đến với trẻ con vùng cao.
Cô Vi tâm sự: “Khi đã chọn nghề giáo thì phải yêu nghề. Với những cô giáo dạy mầm non trên miền núi, việc vượt sông, băng rừng để dạy ở điểm lẻ là thường tình. Ở đâu có học sinh, thì giáo viên phải bám lớp để dạy”.
Hạnh phúc của giáo viên mầm non là hằng ngày nhìn thấy các con được chăm sóc, được vui chơi, hát ca và lớn lên. “Được dạy ở điểm trường Nước Rinh là điều may mắn. Bởi ở đây, phụ huynh rất quan tâm đến việc học của con em. Các con cũng luôn mong muốn được đi học. Vì vậy, những ngày mưa gió, chỉ cần thấy cô giáo đến trường là lũ trẻ lại lần lượt đến lớp”, cô Vi chia sẻ.
Yêu ánh mắt trẻ thơ
Sau một thời gian công tác ở huyện Sơn Tây, cô giáo Nguyễn Thị Tường Vi xin chuyển về huyện Sơn Hà. Điểm trường Nước Rinh là điểm duy nhất giáo viên phải vượt sông đến lớp. Cứ hai năm nhà trường lại luân chuyển giáo viên sang đây giảng dạy. Đây là năm thứ hai cô Vi dạy học tại điểm trường này.
Với ngần ấy thời gian, cô Vi luôn nỗ lực vượt qua bao khó nhọc, luôn bám lớp để chăm nom, dạy dỗ các con.
Lớp học mầm non ở điểm lẻ cũng khá đặc biệt. Lớp học có 26 cháu, nhưng có đến 3 độ tuổi (3, 4, 5 tuổi). Dù chẳng có giáo trình nào hướng dẫn giáo viên dạy lớp ghép như vậy, nhưng giáo viên cắm bản vẫn miệt mài soạn những trang giáo án cho lớp học đặc thù này.
Cha mẹ các cháu đều là đồng bào dân tộc Hrê, cuộc sống còn khó khăn. Nhiều lúc cô Vi phải tự bỏ tiền ra để mua quần áo, đồ chơi, bánh kẹo cho các cháu. Ngoài ra, cô Vi còn vận động, quyên góp quần áo để tặng cho trẻ. Mỗi lần có quần áo là các con mừng lắm!
Sau hai năm, khi nghe tin cô Vi sẽ về lại điểm trường chính, dân làng đến xin cô ở lại với các con. Tình cảm của dân làng khiến cô Vi thêm lưu luyến. “Tình cô trò gắn bó; dân làng nơi đây lại rất thương mình nên những khó khăn, vất vả của nghề dạy học ở điểm trường lẻ rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Nhìn ánh mắt ngây thơ của các em như níu kéo khiến mình không nỡ rời xa nơi này được”, cô Vi xúc động.
Bài, ảnh: DUY HÙNG