(Báo Quảng Ngãi)- Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Tây là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều thế hệ học sinh của huyện miền núi Sơn Tây. Ở đó, các em được chăm sóc và học tập trong môi trường thân thiện, chu đáo, giúp các em tiếp nhận kiến thức, hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống...
TIN LIÊN QUAN |
---|
"Trường là nhà, giáo viên là cha mẹ"
Đến từ các thôn xa xôi, 207 học sinh thuộc 4 khối lớp THCS của Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Tây được ăn, ở tập trung, miễn hoàn toàn chi phí học tập và sinh hoạt. Nhờ đó, các em có điều kiện đến lớp, hạn chế bỏ học giữa chừng. Em Đinh Thị Hiệp, học sinh lớp 7 bộc bạch: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng em may mắn được học trong ngôi trường này. Các thầy, cô giáo ai cũng đều tận tình dạy bảo, giúp đỡ chúng em”.
Học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Tây thực hành môn Tin học. |
Theo Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Sơn Tây Lê Hoài Thạnh, với quan điểm "dạy chữ đi đôi với rèn người", trường xác định hai nhiệm vụ trọng tâm là mỗi thầy, cô giáo vừa là người truyền đạt kiến thức, vừa đảm đương công tác chăm lo đời sống nội trú cho học sinh. Nhà trường phải thực sự là mái ấm, là ngôi nhà thứ hai nuôi dưỡng, chắp cánh tương lai cho các em".
Thời gian qua, nhà trường đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ võ thuật, tiếng Anh, sức khỏe sinh sản vị thành niên, đôi bạn cùng tiến và thường xuyên đối thoại với học sinh... Những hoạt động này vừa tạo sự gần gũi, thân thiện, gắn kết học sinh với nhau, vừa giúp các em học tập tốt hơn và rèn luyện kỹ năng sống.
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Lan chia sẻ: "Những ngày cuối tuần, nếu trúng lịch trực, tôi không về quê mà ở lại phụ đạo, quản lý học tập, sinh hoạt nội trú của học sinh. Có lúc các em nhớ nhà, hay gặp chuyện buồn mình ở bên cạnh động viên. Mọi chuyện từ ốm đau, đến những chuyện thầm kín của các em gái, giáo viên đều quan tâm, hỗ trợ”.
Nỗ lực giảm thiểu tảo hôn
Theo ông Lê Hoài Thạnh, trước đây, tỷ lệ tảo hôn trong học sinh của trường chiếm tỷ lệ từ 5 - 7%. Do đó, giải quyết dứt điểm tình trạng này là nhiệm vụ cấp bách của tập thể nhà trường. Ngoài công tác tuyên truyền, trường còn tập trung tư vấn cho học sinh. Giữ vai trò quan trọng trong công tác tư vấn là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, thành viên tổ tư vấn, cán bộ đoàn.
Tổ trưởng Tổ tư vấn học đường Huỳnh Thị Phương Loan cho biết: Chúng tôi luôn chú trọng giáo dục kỹ năng sống và thường xuyên lắng nghe các em chia sẻ những khó khăn trong học tập và cuộc sống. Từ đó kịp thời hỗ trợ, hạn chế tình trạng học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm.
"Trước đây, có một học sinh buồn chuyện gia đình do bố mẹ bỏ nhau, em bỏ học và có nguy cơ tảo hôn, nhưng các giáo viên của trường đã kịp thời giúp đỡ em vượt qua giai đoạn khó khăn để quay lại lớp học. Nhờ đó, em đã tiếp tục đến trường và trở thành liên đội trưởng giỏi", cô Loan kể.
Các thành viên Tổ đời sống và quản lý học sinh, Tổ tư vấn tâm lý học đường phân công trực tất cả các ngày trong tuần. Đây là sợi dây kết nối để mỗi cán bộ, giáo viên vừa là thầy, vừa là cha mẹ uốn nắn mọi sinh hoạt của học sinh, định hướng giáo dục phát triển nhân cách cũng như kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn. Nhờ vậy, 3 năm gần đây trường không có trường hợp học sinh nào tảo hôn.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất
Ông Lê Hoài Thạnh cho biết: Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường đã bố trí hơn 50 triệu đồng lắp 12 camera. Hệ thống này giúp quản lý tốt hoạt động nội trú; học sinh cảm thấy an toàn hơn. Ngoài ra, tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để trường hoàn thiện khu ký túc xá và nâng cấp nhiều phòng học. Bên cạnh đó, bếp ăn tập thể cũng được xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu của học sinh.
|
Bài, ảnh: KIM NGÂN