(Báo Quảng Ngãi)- Qua giám sát tại các địa phương, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: HĐND các huyện đều đưa chỉ tiêu phân luồng giáo dục nghề nghiệp vào nghị quyết. Tuy nhiên, trên thực tế hầu như chưa có địa phương nào đảm bảo chỉ tiêu đề ra. Điều này cho thấy, công tác phân luồng chưa hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hướng nghiệp sớm cho học sinh (HS) sẽ làm tăng nguồn lực lao động quốc gia, nhưng hiện tại gặp phải nhiều lực cản. Do vậy, công tác này cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Gian nan công tác phân luồng
Hằng năm, Quảng Ngãi thực hiện phân luồng HS chủ yếu bằng cách giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT cả hệ công lập và ngoài công lập, nhưng tỷ lệ phân luồng HS sau THCS vẫn chưa đạt được mục tiêu. Luồng học lên THPT vẫn còn chiếm quá lớn; luồng học lên trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề còn quá nhỏ. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục chủ yếu hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông; chỉ tiến hành dạy chương trình nghề phổ thông cho đối tượng HS lớp 8, lớp 11 và làm công tác tư vấn nghề nghiệp cho HS THPT.
Thầy và trò Trường THPT số 1 Đức Phổ nỗ lực ôn thi THPT quốc gia năm 2019. |
Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) Mai Đình Thảo cho rằng: “Khó khăn, bất cập hiện nay là dù các trường, trung tâm triển khai và đưa hoạt động giáo dục hướng nghiệp, giáo dục nghề phổ thông vào chương trình giảng dạy của nhà trường, nhưng chất lượng của các hoạt động này chưa cao”.
Phần lớn phụ huynh HS muốn hướng con em mình tiếp tục học trong hệ thống giáo dục phổ thông. Trong đó có một số nguyên nhân khách quan có thể kể đến như tuổi HS tốt nghiệp lớp 9, mới 15 - 16 tuổi, chưa phù hợp với việc đi học xa nhà hoặc trực tiếp lao động. Một phụ huynh có con học lớp 9 quả quyết: “Dù có thế nào chúng tôi cũng cho con tiếp tục học phổ thông. Vì nó còn quá nhỏ để học nghề hay đi làm bên ngoài”. Vị phụ huynh này cũng cho rằng, nếu cho con học nghề cũng đồng nghĩa với việc con phải làm "công nhân suốt đời".
Theo thống kê ban đầu của Bộ GD&ĐT, cả nước có 74% thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng và 26% còn lại chỉ thi để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. Đối với Quảng Ngãi, thì tỷ lệ trên là 80% - 20%. Điều này cho thấy, công tác phần luồng giáo dục nghề nghiệp của tỉnh có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo theo chỉ tiêu đòi hỏi công tác phân luồng phải quyết liệt hơn. |
Cần có chế tài đủ mạnh
Trong hai năm gần đây, công tác hướng nghiệp được các địa phương và trường học quan tâm. Ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với ngành GD&ĐT tổ chức những đợt tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho HS. Điều đặc biệt là, đối tượng được tư vấn, định hướng nghề nghiệp không chỉ là HS lớp 12 mà có cả học sinh bậc THCS.
Sở LĐ-TB&XH tổ chức tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2019. |
Ngày 14.5.2018, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 522 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, ngành GD&ĐT tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng THCS; đổi mới nội dung, phương thức, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng việc giáo dục hướng nghiệp cho HS THPT.
“Tỉnh ta phấn đấu đến năm 2021 có 30% HS sau THCS được phân luồng vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Để đạt mục tiều đề ra, Quảng Ngãi đưa ra chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 khoảng 74% tổng số HS lớp 9 và 26% HS còn lại sẽ tham gia phân luồng học nghề”, ông Mai Đình Thảo cho biết.
Những năm học gần đây, số HS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng nguyện vọng 1 chiếm trên 40%. Tuy nhiên, cánh cổng vào đại học ngày càng rộng mở, nên các em cũng bằng mọi giá để bước vào, dù không biết năng lực của mình đến đâu. Chính vì vậy, số sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng đông. Trong khi đó, HS lớp 12 là nguồn nhân lực mà các doanh nghiệp cần.
Theo Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Quảng Ngãi Nguyễn Tưởng Duy: Học sinh lớp 12 học nghề sẽ là nguồn nhân lực "ưa chuộng" của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi định kiến về học nghề còn quá lớn, thì cần có quy định rõ, để nhiệm vụ phân luồng qua giáo dục nghề nghiệp thực thi hiệu quả hơn. Cụ thể, cần giao chỉ tiêu cho từng trường và quy định trách nhiệm rõ ràng, chứ không chung chung.
Phân luồng giáo dục nghề nghiệp nhằm đảm bảo hài hòa sự phát triển của hệ thống giáo dục. Vì vậy, phụ huynh và HS cần nhận thức rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Mỗi em đều có tiềm năng riêng và trên thực tế, nhiều em có bằng trung cấp, cao đẳng nghề, nhưng lại có năng lực rất tốt. Điều quan trọng là cha mẹ, thầy cô giáo phải phát hiện ra để định hướng cho các em con đường phát triển phù hợp.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG