(Báo Quảng Ngãi)- Sáng tạo, đổi mới trong giảng dạy là mục tiêu hướng tới của giáo dục hiện đại. Trong từng bài học, giáo viên (GV) không chỉ dừng lại ở đổi mới phương pháp giảng dạy, mà còn phải sáng tạo ra những đồ dùng dạy học, giúp học sinh (HS) tiếp thu nội dung bài học trực quan, sinh động, hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Phát huy sự sáng tạo của giáo viên
Hiện nay, thiết bị, đồ dùng dạy học đã được ngành giáo dục cung ứng nhiều cho các trường học, song cũng mới đáp ứng phần cơ bản để GV có thể khai thác nội dung bài học trên cơ sở đề cương kiến thức. GV muốn dẫn dắt HS tìm hiểu sâu về kiến thức trong từng nội dung bài học đòi hỏi phải nghĩ và tự làm ra những thiết bị, đồ dùng để kích thích trí khám phá của HS.
Cô giáo Nguyễn Thị Tường Vi (Trường Mầm non Hướng Hương, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) hướng dẫn trẻ nhận biết cuộc sống xung quanh từ các đồ dùng dạy học tự làm. |
Cô giáo Bùi Thị Bích Hợp, Trường THPT Trần Quốc Tuấn chia sẻ: “Dù trường có thiết bị dạy học, nhưng giáo viên cũng cần làm thêm các mô hình hỗ trợ cho việc dạy, nhằm giúp HS nắm bài và và khắc sâu kiến thức hơn. GV phải tốn rất nhiều thời gian để làm ra một đồ dùng dạy học từ ý tưởng của mình. Tuy nhiên, một thiết bị tự làm sẽ được bổ sung và sử dụng cho nhiều năm giảng dạy, nên hiệu quả rất cao”.
Đặc biệt, đối với cấp học mầm non, tiểu học, việc sử dụng đồ dùng dạy học mỗi khi lên lớp là rất cần thiết, vì nó hợp với quy luật tư duy, nhận thức của trẻ. Từ trực quan sinh động sẽ giúp trẻ tư duy nhận biết tốt hơn nội dung cô giáo muốn truyền đạt. Cô Nguyễn Thị Tường Vi, Trường Mầm non Hướng Hương, xã Sơn Bao (Sơn Hà) cho hay: “Với GV mầm non, nếu không tự làm đồ dùng dạy học thì khó có thể lên lớp hướng dẫn các cháu tiếp cận với nội dung truyền đạt”.
Giúp học sinh tự chủ kiến thức
Quy luật nhận thức của con người bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và hình thành nhận thức đối với thực tiễn. Đây cũng là nguyên lý dạy học của người giáo viên khi đứng lớp. Khi sử dụng đồ dùng dạy học, dưới sự hướng dẫn của GV, HS sẽ tự khám phá, tìm ra ý đồ của giáo viên khi xây dựng đồ dùng giảng dạy.
Ngoài tự làm đồ dùng dạy học, GV còn phân công HS tham gia làm một số dụng cụ hỗ trợ, nhằm tạo sự phong phú của tiết dạy. Trong quá trình đó, các em có cơ hội tiếp cận với nội dung bài học qua thực tiễn. Đây là phương pháp kích thích sự tìm tòi và làm chủ kiến thức của HS hay nhất mà trong dạy học hiện đại áp dụng.
Em Phạm Huỳnh Linh Nga, lớp 12C11, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết: “Trong những tiết thực hành thí nghiệm, các thầy cô giáo cũng giao nhiệm vụ cho chúng em tham gia làm những đồ dùng để làm cơ sở đối sánh. Điều này đã kích thích trí khám phá và nghiên cứu khoa học của HS. Hơn nữa, điều này cũng giúp chúng em dễ dàng tiếp thu kiến thức và yêu thích môn học hơn”.
Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Đinh Duy Quang cho rằng: “Bên cạnh việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng sáng tạo, tìm tòi để làm những bộ đồ dùng phục vụ cho công tác giảng dạy. Một tiết dạy sinh động, thu hút HS không chỉ dừng lại ở những phương pháp thông thường, mà cần kết hợp nhiều phương tiện giảng dạy, trong đó sử dụng đồ dùng dạy học là ưu việt và hiệu quả nhất. Vì vậy, nhà trường luôn khuyến khích GV phát huy tính sáng tạo trong việc làm các bộ đồ dùng dạy học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG