Nâng cao chất lượng giáo dục: Bắt đầu từ đội ngũ giáo viên

10:12, 05/12/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bộ GD&ĐT vừa có đề xuất, trong 5 năm tới không tuyển mới giáo viên tiểu học (GVTH) có trình độ trung cấp sư phạm (TCSP) và cao đẳng sư phạm (CĐSP), nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT. Tuy nhiên, vấn đề này hiện đang có nhiều luồng ý kiến, dư luận khác nhau.

TIN LIÊN QUAN


Đổi mới để nâng cao chất lượng

Theo Bộ GD&ĐT, khi đưa ra dự thảo nâng chuẩn giáo viên tiểu học, Bộ đã tham khảo chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học của các nước. Theo đó, giáo viên tiểu học ở phần lớn các nước đều có bằng đại học, hoặc sau đại học. Ở nước ta, hiện có 59,63% GVTH đạt trình độ đào tạo từ đại học sư phạm (ĐHSP) trở lên; còn 40,36% (tương đương với gần 160 nghìn GVTH) cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn.

Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) trong giờ học.


Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên từ TCSP, CĐSP lên ĐHSP trong thời gian khoảng 5 năm và chủ trương không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ TCSP hoặc CĐSP. Theo đó, đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn còn thời gian công tác từ 5 năm trở lên, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐHSP phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ, gắn với việc bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới theo hình thức “cuốn chiếu”.

Đối với những giáo viên chưa đạt trình độ đại học còn thời gian công tác từ 1 đến dưới 5 năm, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương phối hợp với các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới theo các chuyên đề phù hợp.
 

"Chủ trương của Bộ GD&ĐT là phù hợp, bởi muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì phải giải quyết từ phần gốc, đó là trình độ của giáo viên. Việc nâng chuẩn đội ngũ giáo viên sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo động lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới".


Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng
 TRẦN ĐÌNH THÁM

Còn nhiều ý kiến trái chiều

Một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cho rằng, nâng chuẩn giáo viên là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần tính toán đến tương lai của những sinh viên đang theo học TCSP và CĐSP. Có ý kiến cho rằng, lộ trình 5 năm mà Bộ GD&ĐT đưa ra sẽ giúp các em chủ động trong việc học liên thông để đủ chuẩn. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có điều kiện để học liên thông.

Em Trần Thị Thanh Hiếu, sinh viên năm 2, hệ cao đẳng sư phạm Địa lý (Trường ĐH Phạm Văn Đồng) lo lắng: Bộ GD&ĐT cho phép các trường tuyển một lượng lớn thí sinh để đào tạo TCSP và CĐSP, nhưng lại không cho tuyển dụng là điều bất hợp lý. Trường ĐH Phạm Văn Đồng không đào tạo liên thông đối với ngành em đang học, nếu muốn học liên thông thì phải vào TP.Quy Nhơn (Bình Định), hoặc ra Đà Nẵng, trong khi điều kiện gia đình em rất khó khăn.

Cô giáo Huỳnh Thị Minh Thư, Trường Tiểu học Phổ Ninh (Đức Phổ) thì cho rằng:  Bộ nên sớm có quyết định và đưa ra lộ trình phù hợp với thực tế để các trường và sinh viên có thời gian chuẩn bị.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Đình Thám cho biết thêm: Hầu hết các trường đại học trong cả nước, kể cả đại học địa phương có đào tạo ngành sư phạm đều tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng. Với quy định đó của Bộ GD&ĐT, thời gian đến, trường sẽ hạn chế tuyển sinh bậc trung cấp, cao đẳng sư phạm, mà chỉ tập trung đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên. Hiện nay, nhà trường đã chủ động làm việc với các địa phương và Sở GD&ĐT để có hướng đào tạo lại và mở các lớp liên thông nhằm nâng chuẩn cho giáo viên, để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông và thay sách giáo khoa trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, một số ý kiến còn cho rằng, đối với bậc tiểu học, việc nâng chuẩn giáo viên là cần thiết, nhưng nếu giáo viên chỉ tập trung dạy kiến thức cho học sinh là chưa đủ, mà còn phải dạy các kỹ năng sống cho các em. Do đó, đi đôi với việc nâng chuẩn trình độ cho giáo viên bậc tiểu học, thì cũng phải thường xuyên bồi dưỡng những kỹ năng mềm cho giáo viên, không vì bằng cấp mà xem nhẹ việc giáo dục các kỹ năng cho học sinh. Có như vậy mới đạt mục tiêu phát triển giáo dục toàn diện trong thời gian đến.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.