(Báo Quảng Ngãi)- Với chủ trương “không vội vàng, làm tới đâu chắc tới đó”, nên việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Tạo sự đồng thuận
Đến nay, huyện Đức Phổ đã hoàn thành việc sáp nhập 14 trường học trên địa bàn huyện theo chủ trương trường nhỏ thành trường lớn và trường liên cấp. Tại huyện Nghĩa Hành, UBND huyện cũng đã triển khai sáp nhập thành công 6 điểm trường tiểu học xuống còn 3 trường, dồn ghép được 15 lớp cấp tiểu học tại các điểm trường và huy động học sinh về học tại điểm trường trung tâm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hành Nhân (Nghĩa Hành) Trần Tấn Tuấn cho biết: Điểm trường thôn Đồng Vinh chỉ có 2 lớp học; mỗi lớp có từ 10-12 em. Vì thế, trường vận động phụ huynh đưa con em về học tại điểm trường chính, nhằm tạo thuận lợi trong công tác dạy và học.
Cô và trò Trường Tiểu học Sơn Hạ số 2 (Sơn Hà). |
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Chế Thanh Vũ, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, phụ huynh học sinh. Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện lựa chọn và điều động một số giáo viên có năng lực, trách nhiệm cao trong công tác giảng dạy về các trường mới sáp nhập, hoặc nơi khó khăn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục giữa các trường.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Tại các huyện miền núi, việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học đã khắc phục tình trạng trường, lớp có quy mô nhỏ, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Qua sáp nhập, các trường đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Hạ số 2 (Sơn Hà) Vũ Như Nghĩa cho biết: Trường đang triển khai thực hiện đề án sáp nhập đối với điểm trường Gò Da và Xóm Lóc. Huyện đã đầu tư xây dựng 2 phòng học tại Gò Da. Hai điểm trường chỉ cách nhau 1km, nên việc sáp nhập nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh.
Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, việc sáp nhập trường, lớp học không chỉ tạo môi trường học tập tốt hơn cho học sinh, mà còn góp phần đáng kể vào việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Bùi Thế Giới cho biết: Thực hiện đề án sáp nhập, năm học 2018-2019, trên địa bàn huyện đã giảm 17 điểm trường lẻ, giảm 50 lớp học, tương đương với giảm 82 giáo viên. Trước đây, ở các điểm trường lẻ chỉ có 3-5 học sinh, nhưng vẫn phải bố trí 1 giáo viên. Nhờ đó, đến nay huyện Sơn Tây không còn tình trạng thiếu giáo viên.
Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã đi đúng hướng, với sự chuẩn bị chu đáo từ khâu tuyên truyền, đến cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Thực tế cho thấy, qua việc sáp nhập đã giảm được vị trí việc làm, giảm sự đầu tư của ngân sách nhà nước đối với một số cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, chế độ chính sách với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG