(Baoquangngai.vn) - Nhằm giảm đầu mối, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường học theo tinh thần Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6, huyện Nghĩa Hành đã đi tiên phong dồn dịch, sắp xếp, sáp nhập 6 trường học quy mô nhỏ còn 3 trường.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Từ năm học 2017 - 2018 về trước, xã Hành Đức có 2 trường tiểu học là Trường TH số 1 Hành Đức và Trường TH số 2 Hành Đức, với 2 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ. Mỗi trường chỉ có 10 lớp. Trong năm học này, 2 trường đã được sáp nhập lại còn 1 trường mang tên Trường TH Hành Đức, với 20 lớp, gần 550 học sinh.
Việc sáp nhập được thực hiện theo nguyên tắc chỉ tinh gọn lại bộ máy quản lý, học sinh vẫn được học tại ngay điểm trường cũ. Đội ngũ giáo viên cơ bản cũng được giữ ổn định.
Ban Giám hiệu nhà trường chủ trương điều động 2 giáo viên có nhiều kinh nghiệm đến chủ nhiệm lớp 2 và lớp 5 cho điểm trường lẻ cách điểm trường chính 4km để đảm bảo điểm trường nào cũng có tổ trưởng các khối lớp, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục tại điểm trường này.
Hiệu trưởng Trường TH Hành Đức cô Chế Thị Thủy cho biết, việc sáp nhập, sắp xếp lại các điểm trường với phương châm thực hiện công khai, dân chủ và minh bạch. Nhà trường đã chú trọng công tác tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên và phụ huynh, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện. Sau khi sáp nhập, học sinh đông dần nên việc tổ chức các hoạt động của trường cũng thuận lợi hơn.
Việc sáp nhập được thực hiện theo nguyên tắc chỉ tinh gọn lại bộ máy quản lý, học sinh vẫn được học tại ngay điểm trường cũ. |
Phụ huynh Võ Văn Đông chia sẻ: "Phụ huynh hoàn toàn đồng tình về việc tổ chức lại bộ máy quản lý của nhà trường cũng như điều động giáo viên có chuyên môn sư phạm tốt về điểm lẻ để nâng chất lượng giáo dục bằng các trường trung tâm".
Trường TH Hành Nhân cũng vừa được sáp nhập từ 2 trường TH số 1 Hành Nhân và Trường TH số 2 Hành Nhân. Trường TH Hành Thiện được sáp nhập từ Trường TH số 1 Hành Thiện và TH số 2 Hành Thiện.
Trước khi sáp nhập, Trường TH số 1 Hành Nhân chỉ có 6 lớp, Trường TH số 2 Hành Nhân có 9 lớp với 1 điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ. Tại điểm trường lẻ, vì thiếu giáo viên bộ môn nên học sinh không được học đều các môn bộ môn như mỹ thuật, tiếng Anh…
Sau sáp nhập, trường có 15 lớp ở 2 điểm trường với hơn 400 học sinh và xóa điểm trường lẻ. Học sinh ở điểm lẻ chuyển về điểm trường chính.
Theo Hiệu trưởng Trường TH Hành Nhân Trần Tấn Tuấn, ngay từ khi có chủ trương, các trường đã quán triệt tinh thần đến đội ngũ giáo viên. Và sau khi sáp nhập, các trường đã khẩn trương phân công nhiệm vụ trong Ban Giám hiệu cũng như giáo viên, ổn định công tác tổ chức nhằm đảm bảo việc dạy và học ngay từ đầu năm học.
Sáp nhập các trường học quy mô nhỏ thành trường học quy mô lớn là điều kiện tốt để nâng cao chất lượng giáo dục. |
Hiệu trưởng và hiệu phó sẽ luân phiên thay nhau quản lý ở 2 điểm trường. Các buổi sinh hoạt chuyên môn cũng luân phiên, tuần này ở điểm trường này thì tuần sau sẽ tổ chức ở điểm trường kia.
Việc sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, ở cùng địa bàn xã là theo tinh thần Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6. Huyện Nghĩa Hành đã tập trung thực hiện đối với những trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thuận lợi về khoảng cách giữa các điểm trường.
Việc sáp nhập được tính toán nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Đối với cán bộ quản lý cũng được lựa chọn nhằm phát huy tinh thần, trách nhiệm, nỗ lực cao ở nhiệm vụ mới, đơn vị mới.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Chế Thanh Vũ cho biết, phòng đã xem xét, lựa chọn những đồng chí hiệu trưởng tiêu biểu trong những năm qua để bổ nhiệm làm hiệu trưởng các trường mới sáp nhập và cũng điều động một số giáo viên có năng lực chuyên môn tốt giữa các trường để tạo sự đồng đều chất lượng giáo dục. Do đó, được sự đồng thuận của giáo viên và nhân dân trong huyện.
Với thành công bước đầu, trong năm 2019, huyện Nghĩa Hành tiếp tục sáp nhập 4 trường là TH số 1 thị trấn Chợ Chùa và TH số 2 thị trấn Chợ Chùa thành Trường TH thị trấn Chợ Chùa; Trường TH số 1 Hành Phước và TH số 2 Hành Phước thành Trường TH Hành Phước.
Như vậy, tất cả 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, ở mỗi địa phương chỉ còn lại 1 trường ở mỗi cấp học từ bậc MN đến THCS. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục chưa cao. Từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Bài, ảnh: A.KIỀU