(Báo Quảng Ngãi)- Không quản ngại đường xa, mùa mưa đường trơn trượt, những giáo viên ở vùng cao đã âm thầm gieo chữ cho học trò. Đối với họ, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) hạnh phúc chỉ đơn giản là nhìn thấy học trò đến lớp đầy đủ.
Vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, trên bàn cô giáo Trần Thị Thu Thập (Trường Tiểu học xã Ba Liên, Ba Tơ) có bình hoa tươi. Đó là món quà bằng cả tấm lòng mà các em học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số dành tặng cho cô giáo. Vừa bước vào lớp học, nhìn thấy lớp học đông đủ cùng với bình hoa tươi do học trò tặng, cô giáo Thập nở nụ cười hạnh phúc. “Hôm nay các em đi học đầy đủ, đó là món quà có ý nghĩa nhất đối với cô", cô Thập cười hiền nói.
Niềm vui của giáo viên vùng cao thật đơn giản, đó là khi lớp học đông đủ, điều kiện học tập của học sinh tốt hơn |
Trường Tiểu học Ba Liên nằm ở vùng tái định cư, hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Lớp học do cô Thập chủ nhiệm có gần 100% là học sinh đồng bào Hrê. Thường thì sau những ngày nghỉ do mưa lũ, lớp học có nhiều chỗ trống. Thế nhưng, sau đợt mưa lũ vừa rồi, học sinh đến lớp đầy đủ hơn. Cô giáo Thập cho biết, ngày trước vận động học sinh ra lớp khó lắm. Các em cứ vào làng cũ cùng mẹ cha làm ruộng, chăn trâu.
Giờ trường thực hiện mô hình quản lý trẻ bằng cách tạo sơ đồ chỗ ở của các em treo trên lớp. Khi có học sinh vắng, không liên lạc được phụ huynh thì liên lạc với nhà bên cạnh, hoặc xuống trực tiếp khuyên bảo các em đến trường. Bên cạnh đó, nhà trường tạo môi trường thân thiện, đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo không khí thoải mái, niềm vui trong học tập. Nhờ cách làm này mà học sinh đến lớp đầy đủ hơn trước.
Còn với cô giáo Ung Thị Tuyết Mai, Trường Mầm non 17/3 thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) thì niềm vui nhân lên khi thấy các cháu khỏe mạnh, nô đùa, lắng nghe cô kể chuyện cổ tích.
Hơn 12 năm trong nghề, lúc nào cô cũng ân cần nuôi dạy trẻ bằng cả tình yêu thương. Cô Mai đã xem học trò như chính những đứa con của mình. Có những hôm, cha mẹ các em chưa đưa đón kịp, cô đã đưa các em về nhà mình cho ăn uống, tắm rửa.
Với tình yêu trẻ, trách nhiệm với nghề, cô Mai đã sáng tạo trong việc làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ. Cô nghiên cứu, sưu tầm nhiều trò chơi dân gian, truyện cổ tích để tạo niềm vui cho trẻ mỗi khi đến lớp. Cô Mai là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và từng dự Liên hoan giáo viên dạy giỏi toàn quốc.
Niềm vui đối với cô giáo Võ Thị Phương Thanh, Trường Tiểu học Ba Vì (Ba Tơ) nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng thật đơn giản. Đó là niềm vui khi thấy học sinh được học dưới mái trường khang trang, đầy đủ trang thiết bị, con đường đến trường thuận lợi hơn.
Ngày trước, Ba Vì có nhiều vùng chia cắt bởi sông Re. Mỗi khi đến các điểm trường lẻ, các thầy, cô giáo phải vượt suối. Cô Thanh kể: "Vào mùa mưa lũ, giáo viên phải vượt qua suối mỗi khi đến trường giảng dạy, rất nguy hiểm. Nhưng có hôm mình phải dạy ở hai điểm trường, buổi sáng ở điểm trường này, chiều phải lội bộ đến điểm trường khác.
Mỗi điểm trường cách nhau khá xa. Cơm trưa lót dạ thường nhờ người làng. Giáo viên ở vùng cao lắm vất vả, nhưng hạnh phúc là mang kiến thức đến với con em của đồng bào nghèo. Ngày Nhà giáo Việt Nam ở vùng cao chỉ đơn giản là lời chúc mừng, cùng với những đóa hoa rừng do chính học trò hái tặng, thế đã là vui lắm rồi".
Bài, ảnh: MAI HẠ