Người giáo viên tận tụy với nghề

06:11, 20/11/2017
.

(Baoquangngai.vn) - Học sinh (HS) của cô Trần Thị Thắng (52 tuổi) ở Trung tâm hỗ trợ phát triển hòa nhập tỉnh là những trẻ chậm phát triển trí tuệ. Bằng sự nhẫn nại, yêu nghề, thương học trò, suốt 12 năm qua cô Thắng và các thầy cô giáo của nhà trường đã thầm lặng “đưa đò”, giúp hàng nghìn HS tự kỷ sớm hòa nhập cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Vừa dạy vừa… dỗ
 
Gặp cô giáo Thắng lúc cô đang hướng dẫn các em làm quen với các con số và thực hiện phép tính từ 1-10. Cô bảo, với những HS bình thường thì giảng giải vài lần các em đã hiểu, nhưng với các cháu tự kỷ thì vất vả lắm, bởi nhiều cháu học trước quên sau. Nếu không kiên nhẫn, giáo viên rất dễ buông xuôi.
 
Ở những lớp học của trung tâm, nội quy dành cho HS thường xuyên bị phá vỡ, bởi những đứa trẻ có hành động bất thường. Cô Thắng bộc bạch, vì tụi trẻ không ý thức được hành động của mình nên mỗi lần vào lớp là tụi mình xoay như chong chóng giữa chục đứa trò.
 
Có em đến trường, nhưng không đến lớp, mà lủi thủi núp ngồi trong ngách cửa. Nhiều em còn chưa biết những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, nên các thầy cô giáo ngoài dạy kiến thức còn phải kiêm luôn “bảo mẫu”.
 
Như trường hợp của em L.Q.V. Những ngày đầu đến với Trung tâm, V ít nói, nhút nhát, không dám tiếp xúc với người lạ. Có lần V chui vào trong thùng giấy hay dưới gầm bàn vì sợ người lạ, với những trẻ như vậy tụi mình phải vừa dạy, vừa dỗ. Uốn nắn từ từ rồi dần dà các em không còn hành động như thế nữa.

 

Cô Thắng trong giờ dạy toán cho học sinh  khuyết tật Trường Tiểu học Nghĩa Chánh
Cô Thắng trong giờ dạy toán cho học sinh khuyết tật.
 
Vui mừng nói về nói về em Nguyễn Thanh Hải (12 tuổi) HS lớp 1 - Trường Tiểu học Nghĩa Chánh, là một trong năm trò mà cô Thắng hết lời khen ngợi.  Trước khi tham gia lớp học hòa nhập thì Hải còn chậm về đánh vần, chưa hiểu nhiều về các con số. Vậy mà sau 2 tháng tham gia lớp học, Hải đã thuộc lòng các chữ cái, con số, làm trơn tru các phép tính từ 1 – 10.
 
“Các em vốn sinh ra đã không may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Nhiều em lại có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bởi vậy, bản thân mình và các thầy cô giáo ở đây đều hết lòng vì các em”- cô Thắng trải lòng.
 
Cô Đặng Thị Thanh Diệu – Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nghĩa Chánh tâm sự. Môi trường làm việc trong hệ thống giáo dục khuyết tật rất đặc thù nên các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy. Họ thật sự là những “kỹ sư tâm hồn” thì mới bám trụ được với nghề. Thật cảm động khi có nhiều giáo viên như cô Thắng vẫn thầm lặng bám nghề, đến với học trò bằng cả tinh thần yêu thương và trách nhiệm.
 
Hạnh phúc nảy mầm
 
Bây giờ, ở các lớp học của cô Thắng, có những em khác đã biết viết, biết đánh vần và biết tính toán cộng trừ trong phạm vi 20. Những em còn lại thì tập tô, tập nhớ các con số. Các em đã biết ngồi yên trong giờ học, nhớ mặt hết các thành viên trong lớp, không còn sợ hãi khi người lạ vào lớp. Đặc biệt, em Nguyễn Thùy Ngọc Lâm là HS của Trung tâm đã đạt giải Ba trong hội  thi Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh 2017.
 
Cô Nguyễn Thị Nhi – Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ hòa nhập tỉnh chia sẻ, cô Thắng là một người rất tâm huyết với nghề, nhiệt tình và yêu thương trẻ. Sau mỗi tiết dạy cô đều bổ sung thêm giờ học để giúp học trò tiến bộ. Nhiều em giờ đã đọc được cả văn bản.
 
Ngoài các buổi dạy ở trung tâm, cô Thắng còn tình nguyện dạy cho các trẻ em khuyết tật ở các điểm trường tiểu học Chánh Lộ, Nghĩa Chánh. Hè đến, cô lại mở dạy các lớp học miễn phí dành cho học sinh tiểu học có gia cảnh khó khăn tại phường Trần Phú.
 
Gửi gắm niềm tin vào người giáo viên tận tụy, các bậc phụ huynh cũng rất phấn khởi với những chuyển biến tích cực của con em mình. Chị Nguyễn Thị Lan là phụ huynh của Nguyễn Ngọc Minh (12 tuổi) theo học lớp hòa nhập của cô Thắng 3 năm về trước thổ lộ: “Cháu nó thích đi học lắm, giờ hết học, nhà lại ở xa trường hơn 2 km nhưng vào các buổi chiều cháu đều đến trường để sinh hoạt văn hóa cùng cô Thắng và các em. Gia đình thật sự rất cảm động trước những nghĩa cử cao đẹp ấy”.
 

Trung tâm Giáo dục trẻ hòa nhập tỉnh được thành lập từ năm học 2005 – 2006, với các chức năng “Nuôi dưỡng, dạy văn hoá, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, phục hồi chức năng đối với trẻ khuyết tật trong tỉnh, tạo điều kiện để các em bị khuyết tật hoà nhập cộng đồng theo quy định của Nhà nước”. Đây là ngôi nhà thứ 2 của rất nhiều học sinh tự kỷ, cũng là nơi chắp cánh ước mơ cho những “vầng trăng khuyết” sớm hòa nhập với cộng đồng. Hiện nay, trung tâm có 40 cán bộ, giáo viên, với 128 học sinh, chia làm 3 nhóm với 13 lớp học, gồm nhóm thiểu năng trí tuệ, nhóm tật vận động và nhóm khiếm thính.

 

Bài, ảnh: P.TIÊN 
 

.