Một cô giáo người Hrê tận tâm với nghề

10:11, 20/11/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Hơn chục năm nay, có một cô giáo ở vùng cao Minh Long đã cố gắng vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, với nhiều điểm trường lẻ để mang đến kiến thức cho trẻ; miệt mài thuyết phục phụ huynh tạo điều kiện cho con em dân tộc thiểu số được đến trường. Đó là cô Đinh Thị Miết, giáo viên Trường mẫu giáo xã Long Môn.
 
 
"Bóng cả" của trò
 
Hơn 10 năm đứng lớp, cô Miết (gần 40 tuổi), là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vượt khó, ươm mầm tri thức cho trẻ ở huyện vùng cao Minh Long.
 
“Làm nghề gõ đầu trẻ - đó là giấc mơ từ nhỏ. Ngày nhận được quyết định được về công tác trên chính mảnh đất quê hương, mình thầm hứa sẽ đem tất cả kiến thức có được sau bao năm được thầy cô dạy dỗ để truyền đạt lại cho các em sau này”, cô Miết bộc bạch.
 
Năm 2003, vừa tốt nghiệp ngành mầm non, cô Miết được phân về công tác tại điểm trường mẫu giáo xã Long Môn. Sau đó, năm 2005, do thiếu giáo viên ở các điểm trường lẻ, cô Miết chuyển về đứng cánh giảng dạy tại trường mẫu giáo làng Ren, cách điểm chính gần 20 cây số đi bộ.
 
Trong cuộc đời gắn bó với con trẻ, đối với cô Miết, đây có thể nói là khoảng thời gian đáng nhớ nhất. Những ngày chuyển về làng Ren, cứ đầu tuần cô Miết gùi lương thực, thực phẩm băng rừng, lội suối tích trữ để dùng dần. Đến cuối tuần, cô lại lặn lội về nhà thăm chồng, con. 
 
Cô Đinh Thị Miết
Đã hơn 10 năm, cô Đinh Thị Miết gắn bó với nghề "gõ đầu trẻ".
 
Quãng đường ấy gập ghềnh và dài thăm thẳm như quá trình phấn đấu và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của cô. Có những ngày mưa gió, địa bàn chia cắt, cả tháng trời cô giáo Miết không thể về với gia đình. “Lúc này, với tôi nền lớp học là giường, trường là nhà, đồng bào chính là những người thân nhất của mình. Tôi đã dựa vào họ để sống”, cô Miết ngậm ngùi nhớ lại.
 
Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất mình đang công tác, hơn ai hết, cô Miết hiểu rõ những vất vả mưu sinh của người dân và hành trình gian nan tìm đến với con chữ của các em nhỏ nơi đây. Cô hiểu được cái lý của người đồng bào quê mình “người ta bán được ngô, thóc chứ nào có bán được chữ”. Cô đã dùng cái tình và sự tận tâm của mình để đáp lại cái lý ấy, mong vận động được tất cả các em trong độ tuổi đi học đến với trường, lớp, thầy cô, bạn bè.
 
“Riêng về việc vận động học sinh ra lớp, cô Miết được rất nhiều người nể phục với sự cần mẫn, nhiệt tình, khéo léo. Trong những chuyến đi, nếu không có cô Miết, những giáo viên dưới xuôi như chúng tôi, nói thật không biết phải làm sao”, cô Lương Thị Tám, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Long Môn chia sẻ.
 
Cô Miết kể, để đảm bảo sĩ số lớp đầy đủ và để các em đến lớp an toàn, hằng ngày, cô đã cố gắng dậy sớm, xuống các điểm đã hẹn để đón các em đi học. Có hôm, cô còn đến tận nhà. “Ba mẹ bọn trẻ đồng ý cho con đi học nhưng có nhiều em còn nhỏ chưa thể tự đi được vì đường núi lại gập ghềnh và khó đi nữa. Có người lớn đi cùng mà lại là cô giáo dạy con mình thì gia đình sẽ yên tâm hơn”, cô Miết tâm sự. 
 
Không chỉ giỏi vận động học sinh ra lớp đầy đủ, trong điều kiện lớp học ở điểm lẻ là nhà tạm tranh tre vách nứa, thiếu các đồ dùng dạy học, cô Miết đã không ngừng nỗ lực cải tạo. Cô sáng tạo, mày mò làm nhiều đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho công tác dạy và học từ những vật liệu sẵn có ở địa phương. 
 
Yêu thương "đơm hoa, kết trái"
 
Khó khăn, vất vả là thế nhưng thời đấy lương mỗi tháng vỏn vẹn chưa đầy 300 ngàn đồng. Ngày qua ngày,, các em nhỏ được chính cô “gieo” những bước đệm đầu tiên, làm hành trang để theo đuổi nghiệp học. Cô Miết bảo rằng, thấy các em học hành trong điều kiện thiếu thốn mà thương quá nên cứ tự nhủ phải dạy sao cho thật tốt để các em nên người.
 
Giờ đây, khi được dạy ở điểm trường chính với đầy đủ cơ sở vật chất, cô càng thấy nhớ thương các em ở điểm trường lẻ mình từng dạy nhiều hơn.
Giờ đây, khi được dạy ở điểm trường chính với đầy đủ cơ sở vật chất, cô càng thấy thương các em ở điểm trường lẻ mình từng dạy nhiều hơn.
 
Cô Lê Nữ Cầm Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Long, đánh giá: “Cô Miết là người có năng lực chuyên môn. Ngành giáo dục của huyện rất cần những giáo viên người dân tộc thiểu số như thế. Cô còn là một tấm gương điển hình với hình ảnh người giáo viên vừa đảm việc nhà, giỏi việc trường, lớp."
 
Năm 2007, sau những nỗ lực, cống hiến không ngừng nghỉ với các điểm trường lẻ, cô Miết được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Long xét tuyển vào biên chế, được chuyển về điểm trường chính xã Long Môn. 
 
Bấy nhiêu thôi, với cô là nguồn động viên tinh thần rất lớn để có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ cho con trẻ. Và rồi, một lớp thế hệ con em đồng bào Hrê trên mảnh đất Minh Long, với nguồn tri thức được chắp cánh từ tấm gương hiếu học, biết vượt khó vươn lên như cô Miết sẽ là một nguồn lực quan trọng để mảnh đất này vươn lên phát triển trong tương lai. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu

 


.