Lãng phí tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp

09:11, 17/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cơ sở vật chất xây dựng kiên cố, trang thiết bị cơ bản đầy đủ, nhưng số lượng học viên, học sinh ngày càng giảm là thực trạng chung của nhiều Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trong tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT ngày 19.10.2015 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, tỉnh ta đã sáp nhập các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện thành Trung tâm GDNN-GDTX và giao cho các huyện quản lý về tài chính và con người; còn các sở ngành quản lý về chuyên môn.

Tuy nhiên, hiện nay công tác hướng nghiệp và nhiều nghề lao động nông thôn được trung tâm đào tạo không còn phù hợp, nên không thu hút được nhiều người học. Vì thế, nhiều trung tâm đang trong giai đoạn hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, gây lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực.  
        
Vắng bóng học sinh, học viên

Sau khi sáp nhập, trung tâm có chức năng đào tạo nghề lao động nông thôn, hướng nghiệp và dạy bổ túc văn hóa cho học sinh phổ thông. Cơ sở vật chất, thiết bị tiếp tục được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại một số huyện miền núi và huyện Nghĩa Hành chúng tôi nhận thấy, các trung tâm GDNN-GDTX đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng.

Các trung tâm vắng học viên.
Các trung tâm vắng học viên.


Trung tâm huyện Nghĩa Hành hiện có 10 phòng học (6 phòng học lý thuyết và 4 phòng thực hành), với các nghề may, nấu ăn, tin học, điện dân dụng và nghề lao động nông thôn; mỗi nghề đều được đầu tư đầy đủ các trang thiết bị thực hành. Trung tâm có 14 cán bộ, nhân viên, trong đó có 8 giáo viên cơ hữu... Với đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất đó, trung tâm có khả năng tiếp nhận và đào tạo hàng nghìn học viên, học sinh học nghề và học bổ túc.

Song, theo lãnh đạo trung tâm, hiện nay đơn vị chỉ hoạt động ở lĩnh vực hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, còn hai chức năng giáo dục thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì "vắng bóng" học viên. Năm học 2017-2018, trung tâm tuyển được 45 em đăng ký học bổ túc văn hóa (lớp 10, lớp 11 và lớp 12); đào tạo nghề lao động nông thôn thì không có học viên đăng ký.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sơn Hà cũng rơi vào cảnh tương tự, hoạt động khá trầm lắng. Phòng học, thực hành đều được xây dựng khá bài bản, nhưng cái thiếu lâu nay là vắng bóng học sinh, học viên, nên các phòng đều cửa đóng then cài. Các dãy nhà xưởng không được khai thác hết công năng, dẫn đến lãng phí trong đầu tư. Đây cũng là thực trạng chung ở các Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trà Bồng, Ba Tơ...

Bài toán chưa có lời giải

Do không có học viên, nên hầu hết các trung tâm chưa khai thác hết công năng của cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, gây lãng phí nghiêm trọng. Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Sơn Hà Đinh Văn Thành, lo ngại: Sau khi sáp nhập, trung tâm có quy mô cơ sở vật chất, thiết bị khá lớn, nhưng chưa khai thác hiệu quả; đội ngũ cán bộ, giáo viên thì không phát huy hết năng lực.

Trung tâm hiện có hai nhà xưởng xây dựng khá quy mô, với các thiết bị cơ khí, điện, mộc dân dụng, thiết bị xây dựng và hàng loạt mô hình, học cụ tranh ảnh để dạy nghề thú y, chăn nuôi. Tuy nhiên, từ khi không có học viên đến học, nhà xưởng đành cửa đóng then cài, các thiết bị bụi phủ. Giá trị ban đầu của các thiết bị dạy nghề ước khoảng 5 tỷ đồng, nhưng chưa sử dụng được bao nhiêu. “Đáng lo ngại nhất là, các hóa chất để thực hành các buổi dạy thú y, chăn  nuôi gia súc, gia cầm đã quá hạn sử dụng, nhưng không biết phải xử lý thế nào”, ông Thành bày tỏ.  

Máy móc thiết bị ở các trung tâm đang sử dụng khá lãng phí. Ảnh:  TR.An
Máy móc thiết bị ở các trung tâm đang sử dụng khá lãng phí. Ảnh: TR.An


Ở Trung tâm huyện Nghĩa Hành, các thiết bị để dạy nghề nông thôn hầu như bỏ vào một góc trong các nhà kho, ước tính kinh phí đầu tư này khoảng 1,5 tỷ đồng. “Các thiết bị này không biết đến bao giờ mới sử dụng lại, vì hiện nay không có học viên. Lao động nông thôn chỉ có nhu cầu học nghề chăn nuôi thú y, trồng trọt, nhưng đa số các lớp được mở tại xã nên các thiết bị, phòng học ít được sử dụng”, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Nghĩa Hành Nguyễn Văn Thành, cho biết thêm.  

Tại huyện Trà Bồng, năm 2013 Tổng Công ty Lương thực Miền Nam đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề huyện khoảng 32 tỷ đồng tại xã Trà Thủy, với mục đích đào tạo nghề cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số. Trung tâm đưa vào sử dụng tháng 9.2013, có diện tích lên đến gần 11.000m2, bao gồm: 11 phòng dạy lý thuyết, 4 nhà xưởng thực hành, khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên, với đầy đủ trang thiết bị. Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên khoảng 400 em/khóa (ba tháng) và 1.200 em/năm. Thế nhưng, hơn 4 năm qua, trung tâm hoạt động chưa thật sự hiệu quả, số lượng học viên ngày càng ít.

Đầu năm 2017, do sáp nhập, nên trung tâm có 18 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Từ đầu năm đến nay, trung tâm chỉ mở được 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn, với 30 học viên mỗi lớp. Điều này cho thấy có sự lãng phí rất lớn trong việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trung tâm.

TR.AN - N.TRIỀU


 

Đầu vào khó, đầu ra "bí"


Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Nguyễn Xuân Bắc: “Khó thu hút học viên vì bí đầu ra”

Thực tế, việc đào tạo nghề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Trà Bồng chỉ mới ở trình độ sơ cấp và hướng nghiệp cho học sinh là chủ yếu, trong khi đó nhu cầu của người lao động ở địa phương thì không nhiều; nguồn lao động qua đào tạo này chưa đủ trình độ để cạnh tranh với nguồn nhân lực được đào tạo tại các cơ sở đào tạo khác. Do đó, quá trình tìm việc làm tại các công ty, xí nghiệp rất khó. Thời gian qua, số lượng học viên đến đăng ký học nghề tại trung tâm khá “khiêm tốn”. Ngoài một số ngành nghề đào tạo phát huy hiệu quả như lâm nghiệp, thú y... thì rất nhiều nghề khác không có “đầu ra”, nên lao động trên địa bàn không muốn đến học.

Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Nghĩa Hành Nguyễn Văn Thành: “Rất cần chính sách hỗ trợ để thu hút học viên”


Hiện nay, trung tâm đào tạo các nghề cơ bản nhằm giúp học viên có thêm kiến thức để vận dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, chứ không sống bằng nghề được học. Vì vậy, các đối tượng học nghề rất cần sự hỗ trợ kinh phí. Nếu không có sự hỗ trợ thì thông qua nhiều kênh như đài, sách, báo, các đối tượng học nghề nông thôn cũng có thể học được những kiến thức sơ cấp để phục vụ chăn nuôi, trồng trọt. Thực tế, những năm qua, vì không có sự hỗ trợ, nên số học viên đến trung tâm học rất ít. Trung tâm mở lớp tại các địa phương nhưng cũng không có nhiều người học.

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Hồng Lê: “Liên kết để đào tạo nghề bậc cao”

Sau khi sáp nhập, trung tâm cũng rơi vào thực trạng chung là hoạt động cầm chừng. Trung tâm đã linh hoạt liên kết với các Trường Đại học Tài chính - Kế toán mở các lớp trung cấp kế toán; trung cấp tin học văn phòng; liên kết với Trường Cao đẳng Đại Việt Đà Nẵng mở lớp sư phạm mầm non; liên kết với Trường Trung cấp nghề Đức Phổ mở các lớp chăn nuôi thú y, trồng trọt khá hiệu quả. Hiện Trung tâm đã mở được 6-7 lớp, mỗi lớp từ 28 – 30 học viên, phần nào đã đáp ứng được nhu cầu học nghề ở địa phương và khai thác có hiệu quả công năng cơ sở vật chất ở trung tâm, hạn chế được sự lãng phí các trang thiết bị đã đầu tư.


P.TRIỀU-TR.AN (thực hiện)

 


 


.