Thực trạng việc dạy và học nghề trong học sinh phổ thông

09:11, 01/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, dư luận cho rằng, chất lượng học nghề trong học sinh THCS, THPT còn nhiều bất cập. Đó là, nhiều học sinh đăng ký học nghề chỉ để cộng điểm thi vào 10 và xét tốt nghiệp THPT, ít được định hướng nghề nghiệp trong tương lai...
 
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bậc THCS, nếu học nghề thì chỉ được tổ chức giảng dạy ở lớp 8 và tùy theo điều kiện thực tế, trường chọn các môn phù hợp để giảng dạy, nhưng phần lớn đều chọn môn Tin học hoặc chủ đề tự chọn. Hiện nay, Trung tâm GDNN-GDTX của các huyện phối hợp với phòng giáo dục và các trường để dạy nghề cho học sinh THCS, học sinh tự nguyện đăng ký học, không bắt buộc. Còn chương trình giáo dục THPT, hoạt động giáo dục nghề phổ thông thuộc chương trình bắt buộc ở lớp 11, bao gồm 11 nghề và được học xuyên suốt trong năm học, với tổng thời lượng 105 tiết.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tham gia lớp tin học văn phòng.
Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tham gia lớp tin học văn phòng.


Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực giáo viên, nên các trường thường chỉ dạy một số nghề, gồm: Nghề làm vườn, cắt may, trồng rừng, điện dân dụng, nấu ăn, tin học văn phòng... Ngoài những nghề nằm trong danh mục quy định của Bộ, địa phương được đề xuất nghề phù hợp với địa phương, nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em. Sau khi kết thúc chương trình lớp 11, học sinh nào đủ yêu cầu thì được đăng ký thi để cấp giấy chứng nhận nghề phổ thông và được cộng điểm ưu tiên xét tốt nghiệp THPT.

Có thể nói, định hướng của Bộ GD&ĐT là phù hợp, song khi triển khai vào thực tế thì bộc lộ nhiều bất cập. Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP.Quảng Ngãi) có 392 học sinh lớp 11 và trường chỉ tổ chức dạy các nghề điện dân dụng, bảo vệ thực vật và tin học văn phòng, học 4 tiết vào chiều thứ 5 hằng tuần. Học tin học văn phòng do giáo viên tin của trường phụ trách, nghề bảo vệ thực vật do giáo viên tổ sinh- công nghệ phụ trách và điện do giáo viên vật lý phụ trách. Mặc dù trường cho học sinh đăng ký nguyện vọng ngay từ đầu năm học, nhưng rồi cũng chỉ dạy 2-3 nghề, nên công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh là quá hạn hẹp.

Trong khi đó, mục đích của học sinh là học nghề để cộng điểm xét tốt nghiệp là chính và cộng điểm thi vào 10. Những học sinh học nghề đạt loại giỏi được cộng 2 điểm, khá cộng 1,5 điểm, trung bình cộng 1 điểm. Thực tế, kết quả thi chứng chỉ nghề, tỷ lệ học sinh đạt kết quả giỏi chiếm 70% trở lên, nhưng việc vận dụng hay xác định nghề nghiệp của các em sau khi học nghề vẫn chưa rõ ràng.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Trần Quang Trình cho rằng, về mặt định hướng của Bộ là phù hợp, nhưng thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như cơ sở vật chất còn hạn chế, nên các em chỉ được trang bị lý thuyết là chủ yếu. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng còn hạn chế, bởi các thầy cô nặng về mặt lý thuyết,  hạn chế kỹ năng thực hành. Hơn nữa, giữa việc học và ứng dụng vào thực tế vẫn còn khá xa, nên chưa thu hút các em...

Thầy Đỗ Thanh Văn, dạy môn Vật lý của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, được nhà trường bố trí dạy nghề điện, chia sẻ thêm: Mục tiêu của Bộ là định hướng cho học sinh các kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, do yêu cầu đổi mới của thi THPT quốc gia làm ảnh hưởng đến việc xác định mục tiêu của các em, đó là học để cộng điểm ưu tiên. Vì vậy dường như các em không mặn mà với việc tiếp thu kiến thức. Vì vậy, Bộ nên có những thay đổi cho phù hợp với thực trạng dạy và học nghề trong trường học hiện nay. Nếu vẫn duy trì hoạt động giáo dục nghề phổ thông, cần phải chọn những nghề thực tế và đảm bảo về nguồn lực, cũng như đem lại những hiệu quả thiết thực, để học sinh có hứng thú khi theo học.

Với học sinh bậc THCS cũng vậy. Hầu như mỗi trường cũng chỉ có 2-3 nghề để các em lựa chọn, trong đó chủ yếu các em đăng ký học nghề nấu ăn, vì học nghề này khả năng đạt kết quả giỏi nhiều hơn học các nghề khác và học sinh học nghề cũng chỉ với mục đích được cộng điểm vào lớp 10.

Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) Nguyễn Phương cho rằng, mục đích của hoạt động giáo dục nghề phổ thông là giáo dục hướng nghiệp và tạo cho các em kỹ năng sơ bộ về nghề nghiệp. Qua đó, giúp các em không chỉ học để thi lấy giấy chứng nhận nghề, để được hưởng điểm khuyến khích trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 công lập hoặc xét tốt nghiệp THPT, mà còn định hướng cho các em chọn một nghề phù hợp, để khi hết học phổ thông các em có thể tham gia lao động, hoặc tiếp tục theo học ở các trường nghề.


Bài, ảnh: DUY KHANG  

 


.