(Báo Quảng Ngãi)- Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) là hoạt động mới, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức và cả nguồn kinh phí, do vậy hiện nay nhiều trường học không mấy mặn mà.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, KĐCLGD được thực hiện từ giáo dục đại học cho đến giáo dục mầm non. Bộ GD&ĐT quy định rõ tiêu chuẩn đánh giá và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục.
Biết rõ thực trạng giáo dục
Phó trưởng Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, KĐCLGD là giải pháp quản lý giáo dục quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục, từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục.
Quy trình KĐCLGD gồm có tự đánh giá của cơ sở giáo dục, đăng ký đánh giá ngoài của cơ sở giáo dục; đánh giá ngoài cơ sở giáo dục; công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và cấp giấy chứng nhận chất lượng giáo dục. Chu kỳ KĐCLGD là 5 năm.
Kiểm định chất lượng giáo dục là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục. Trong ảnh: Thầy và trò Trường THCS Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: P.Lý |
Để đánh giá chất lượng giáo dục, các trường căn cứ vào từng tiêu chí của mỗi tiêu chuẩn để tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với Sở GD&ĐT. Sở GD&ĐT sẽ thành lập Đoàn đánh giá ngoài trực tiếp đánh giá và công nhận. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 57 trường tham gia đánh giá ngoài. Bậc mầm non có 29 trường, trong đó có 22 trường đạt cấp độ 3, 2 trường đạt cấp độ 1, 5 trường đạt cấp độ 2; tiểu học 12 trường, trong đó 7 trường đạt cấp độ 2, 5 trường đạt cấp độ 3; THCS 16 trường, trong đó 1 trường đạt cấp độ 1, 9 trường đạt cấp độ 2, 6 trường đạt cấp độ 3.
Tại TP.Quảng Ngãi, đến thời điểm này có tổng số 15 trường được đánh giá ngoài. Trong đó có 13 trường đạt cấp độ 3; 1 trường cấp độ 2; 1 trường cấp độ 1. Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP.Quảng Ngãi Dương Thị Như Cẩm, việc đánh giá chất lượng giáo dục được thực hiện nghiêm túc, mọi tiêu chí đạt được đều có minh chứng cụ thể. Nhiều trường đã nỗ lực thực hiện để đạt tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục, qua đó chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt.
Ở huyện Tư Nghĩa, đến thời điểm này có 5 trường được công nhận đạt mức độ 3, trong đó có 1 trường THCS và 4 trường mầm non. Hiệu trưởng Trường Mầm non Nghĩa Hòa Đặng Thị Minh Thu cho biết, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất là khó khăn nhất, để đạt tiêu chuẩn này đòi hỏi phải có sự đầu tư từ ngành giáo dục và địa phương. Đối với các tiêu chí còn lại chủ yếu dựa vào sự nỗ lực của tập thể nhà trường. Nhà trường tự đánh giá và kết quả tổng số các chỉ số đạt 85, tỷ lệ gần 98%; tổng số các chỉ tiêu đạt 27, tỷ lệ trên 93%. Theo đó, năm học 2017-2018, nhà trường đăng ký tham gia đánh giá ngoài, kết quả đạt mức kiểm định cao nhất, mức độ 3.
Cần sự tích cực từ phía nhà trường
Ông Nguyễn Hồng Sơn nhận định, hoạt động KĐCLGD đã có những đổi mới, các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động KĐCLGD bước đầu đạt kết quả khả quan, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục các trường. Tuy nhiên, hiện nay công tác KĐCLGD ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Việc KĐCLGD được thực hiện tương tự với việc công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia và các tiêu chí đạt KĐCLGD tương đối giống nhau. Tuy nhiên, khi đạt chuẩn quốc gia, thì các trường sẽ được đầu tư về cơ sở vật chất và được nhiều sự ưu tiên khác. Trong khi đó, các trường thực hiện KĐCLGD dường như không có bất kỳ sự ưu tiên nào. Hơn nữa dù trường phổ thông có đạt kiểm định chất lượng hay không, thì các bậc phụ huynh vẫn phải cho con em vào học vì được phân bổ theo địa bàn, điều này không tạo động lực để các trường đăng ký đánh giá ngoài.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tư Nghĩa Trương Quang Dũng cho hay, hằng năm, Phòng đều có văn bản hướng dẫn các trường tự đánh giá và chủ động đăng ký đánh giá ngoài, nhưng rất ít trường đăng ký, nhất là bậc tiểu học và THCS. Các trường chưa thấy được quyền lợi của mình, nên không mấy mặn mà với việc đăng ký đánh giá ngoài mà chỉ thực hiện quy định tự đánh giá. Hơn nữa công tác KĐCLGD chưa thành nhu cầu tự thân, nên nhiều nhà trường không tự giác đăng ký.
Mặt khác, theo Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tịnh Nguyễn Thị Thương, nhiều trường gặp khó vì hồ sơ phải chuẩn bị đầy đủ, với nhiều tài liệu liên quan trong khoảng thời gian 5 năm, trong khi đó phần lớn cán bộ làm công tác văn thư là kiêm nhiệm, thiếu chuyên môn lưu trữ. Ngoài ra, làm hồ sơ KĐCLGD rất tốn công, cần thời gian dài để hoàn thành bộ hồ sơ, do đó ban giám hiệu các trường cần phải vào cuộc tích cực.
P.LÝ-TR.PHƯƠNG
Giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục
Đó là nhận định của Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Trà khi trao đổi với PV Báo Quảng Ngãi về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông.
|