Giáo viên cốt cán- nhân tố quyết định chất lượng giáo dục

09:11, 22/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đáp ứng theo tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Trong đó, đội ngũ giáo viên là nhân tố quyết định đến chất lượng của các cơ sở giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Thực hiện đổi mới nhằm nâng cao chất lượng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán.

Xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán

Cứ 2 năm 1 lần, Sở GD&ĐT tiến hành rà soát bổ sung để thành lập Tổ nghiệp vụ bộ môn. Mỗi bộ môn có từ 15-20 thành viên. Đây là một bộ phận có chức năng tư vấn, tham mưu, nghiên cứu, thực nghiệm và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giáo dục. Thành viên của tổ nghiệp vụ bộ môn là những giáo viên cốt cán- người có uy tín trong nhà trường về phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, có năng lực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên các cấp học, chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp với đồng nghiệp; nòng cốt xây dựng cộng đồng phát triển sáng tạo nghề nghiệp.

Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) Đinh Duy Quang cho biết, Tổ chuyên môn nghiệp vụ có trách nhiệm tham gia đánh giá chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học. Tham gia biên soạn; thẩm định; nhận xét các công trình nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, các đề tài nghiên cứu và tài liệu về phương pháp dạy học trong phạm vi ngành học, kiểm tra đánh giá các tài liệu khác dùng cho trường phổ thông theo quy định của các cấp có thẩm quyền.

 Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).
Cô và trò Trường Tiểu học thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành).


Đề xuất và kiến nghị với Giám đốc Sở GD&ĐT các vấn đề liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, các biện pháp đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và tính thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy môn học ở bậc trung học trong thẩm quyền quy định. Ngoài ra, tổ chuyên môn nghiệp vụ còn có trách nhiệm tư vấn, góp ý cho Sở GD&ĐT những cơ sở lý luận, phương hướng và giải pháp nhằm giải quyết một số vấn đề về chuyên môn thuộc các môn học còn vướng mắc, cần tháo gỡ trong thực tiễn nhà trường phổ thông bậc trung học; các vấn đề đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Tham gia các lớp tập huấn do Bộ GD& ĐT tổ chức, tham gia triển khai tập huấn cho giáo viên, tư vấn về nội dung, kế hoạch bồi dưỡng giáo viên hằng năm. Tổ chức nghiên cứu và thực hiện chuyên đề dạy học bộ môn, xây dựng tiết dạy mẫu theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh. Triển khai sinh hoạt chuyên môn theo khu vực; ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra đánh giá. Tham gia công tác kiểm tra chuyên môn tại các trường học bậc trung học; đồng thời tư vấn cho Sở GD&ĐT trả lời trước công luận một số vấn đề quan trọng về lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ bậc trung học khi dư luận xã hội quan tâm.

Nhân tố quyết định sự thành công của đơn vị

Đối với các trường, việc xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ giúp trường nâng cao chất lượng giáo dục. Họ là những giáo viên vừa có tâm vừa có tầm, thường đó là tổ trưởng, tổ phó các bộ môn. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (TP.Quảng Ngãi) cho hay, toàn trường có 40 giáo viên biên chế, trong đó có 1/2 số giáo viên đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp thành phố trở lên.

Đây là lực lượng nòng cốt của nhà trường, luôn gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong việc tiếp cận những đổi mới về chuyên môn. Đội ngũ giáo viên cốt cán có trách nhiệm truyền tải những nội dung đổi mới cho giáo viên toàn trường; đồng thời tham gia cùng Phòng GD&ĐT thanh tra các cơ sở...

Từ đội ngũ giáo viên cốt cán đã giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Điều đó được minh chứng qua các kết quả của các hội thi hằng năm. Thấy được điều đó, ngày càng có nhiều phụ huynh tin tưởng cho con em nhập học tại trường. Cụ thể, nếu như năm học 2013-2014, toàn trường có 807 học sinh, thì đến năm học 2017-2018, toàn trường có hơn 1.000 em.

Bản thân là giáo viên cốt cán của trường nên cô giáo Nguyễn Thị Kim Hằng, tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Lê Trung Đình luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động chuyên môn. Cô Hằng, chia sẻ: Trong những năm gần đây, ngành giáo dục luôn có những đổi mới, nhất là trong kỳ thi THPT quốc gia.

Vì vậy, giáo viên phải luôn tiếp cận với những đổi mới. Đặc biệt, bộ môn Ngữ văn có tính đặc thù, nên khi thay đổi hình thức, cấu trúc sẽ ảnh hưởng đến nội dung. Do đó, giáo viên phải luôn tìm tòi, trau dồi các kiến thức, kỹ năng để truyền đạt cho học sinh, giúp các em đảm bảo kiến thức để có những kết quả tốt hơn.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 


.