Nâng cao chất lượng giáo dục THPT trên địa bàn miền núi

07:08, 15/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Còn 2 tuần nữa là các trường THPT trên địa bàn tỉnh sẽ tựu trường, bước vào năm học mới. Đây cũng là thời điểm để các trường ở miền núi thảo luận, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối hè trời vẫn oi bức. Dẫu vậy, các thầy cô giáo ở các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn tất bật với công tác chuẩn bị về chuyên môn, cơ sở vật chất cho năm học mới. Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Kiệt (Sơn Hà) Lê Đức Quỳnh, cho biết: Những năm qua, nhà trường luôn nỗ lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, do đặc thù là trường miền núi, học sinh người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, nên chất lượng học tập vẫn còn nhiều mặt hạn chế, có nguy cơ bỏ học cao. Vì vậy, hằng năm nhà trường đều thành lập Ban vận động học sinh ra lớp để phối hợp với chính quyền, các đoàn thể để thực hiện.

Thầy và trò Trường THCS và THPT Phạm Kiệt quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Thầy và trò Trường THCS và THPT Phạm Kiệt quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.


Cùng với đó, nhà trường bám sát kế hoạch của Sở GD&ĐT để cụ thể hoá kế hoạch chuyên môn năm học của trường. Cử giáo viên tham gia các đợt bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học; công tác kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng chú trọng đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Cho học sinh tiếp cận với câu hỏi trắc nghiệm trong các bài kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, giúp các em tiếp cận với những đổi mới trong thi cử. Tuy nhiên, do là năm đầu tiên tiếp cận với phương thức thi mới, nên tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp thấp hơn so với năm trước. Cụ thể, năm 2016, trường có 96% thí sinh đỗ tốt nghiệp, nhưng năm 2017 chỉ có 77% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT.

Các trường THPT còn lại trên địa bàn miền núi, cũng trong tình trạng này. Nguyên nhân được các nhà quản lý giáo dục nêu ra là, năng lực của thí sinh miền núi còn hạn chế so với thí sinh khu vực đồng bằng. Các em được học trong điều kiện còn khó khăn, ít được sự quan tâm của phụ huynh. Tuy nhiên, kết quả đó đánh giá đúng thực chất, vì năm nay, mỗi thí sinh có một mã đề và được sự giám sát của giảng viên các trường đại học trong quá trình thi.

Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Sơn Hà) Lưu Thanh Hải, cho hay: Năm 2016, toàn trường có tỷ lệ thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT là 92%, thì năm 2017 chỉ có 80% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Kết quả thi đã đánh giá đúng năng lực học sinh. Nhưng nhìn một cách tổng quát, chất lượng đào tạo của trường được nâng lên, thông qua tỷ lệ học sinh trên trung bình cao hơn so với năm trước. Cụ thể là, năm học 2015-2016, trường có chưa tới 60% thí sinh đạt trên trung bình, thì năm học 2016-2017 là trên 80%.

Trong năm học 2017-2018, Trường THPT Quang Trung tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng tại chỗ cho đội ngũ giáo viên; phân công giáo viên cốt cán đào tạo, bồi dưỡng cho giáo viên còn yếu và chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các trường THPT miền núi cũng tập trung phân loại học sinh ngay từ đầu năm học, để có cơ sở phụ đạo học sinh yếu kém; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học.

Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) Bùi Thế Giới, chia sẻ: Để nâng cao chất lượng GD&ĐT, năm học này trường tiến hành khảo sát đầu vào để chia lớp và phụ đạo học sinh yếu kém. Chọn lọc, phân công giáo viên cốt cán, giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy và phụ đạo cho học sinh lớp 10 và 12.

Đối với lớp 12, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và định hướng học sinh chọn khối ngành để có hướng ôn tập phù hợp. “Những năm gần đây, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt định kỳ theo cụm. Qua đó, giáo viên ở các trường trung tâm, giáo viên có kinh nghiệm sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong giảng dạy, ôn tập để các giáo viên bộ môn cùng học hỏi. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường từng bước được nâng lên”, thầy Giới chia sẻ.

Bài, ảnh: TR.PHƯƠNG
 


.