(Báo Quảng Ngãi)- Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Trà Bồng luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, nhờ đó nhiều người dân có nghề nghiệp ổn định, nâng cao đời sống.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh Hồ Văn Phương (32 tuổi), ở thôn Đông, xã Trà Sơn trước đây làm nghề phụ hồ, công việc tuy vất vả, nhưng thu nhập khá thấp. Từ năm 2014 đến nay, sau khi được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học nghề xây dựng theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (gọi tắt là Đề án 1956), đời sống kinh tế của gia đình anh Phương ngày càng ổn định. Anh Phương đã mạnh dạn thành lập đội xây dựng, gồm 5 thợ xây, nhận xây dựng các công trình nhà ở trên địa bàn xã và các địa phương lân cận.
Anh Đinh Văn Lý, ở thôn Đông, xã Trà Sơn (Trà Bồng) chăm sóc đàn bò của gia đình. |
"Hỗ trợ người dân học nghề chính là trao cần câu cơm, không chỉ có gia đình mình mà nhiều gia đình khác ở địa phương cũng có cuộc sống khá hơn nhờ được đào tạo nghề", anh Phương bộc bạch.
Trong khi đó, anh Đinh Văn Lý (35 tuổi), ở thôn Đông, xã Trà Sơn cũng đã nâng cao hiệu quả trồng trọt, chăn nuôi kể từ khi được cán bộ hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Anh Lý bộc bạch: "Trước kia gia đình tôi trồng keo và một số loại cây trồng khác, nhưng thiếu sự chăm sóc, phần lớn là để cây tự lớn. Từ lúc được tập huấn về kỹ thuật cây trồng, tôi mới biết cách chăm sóc để cây tươi tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Không chỉ có anh Phương, anh Lý, mà ở huyện Trà Bồng nhiều người phát huy được nghề đã học, từ đó đem lại nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Trà Bồng Trình Công Đường cho hay: Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã mở được 19 lớp đào tạo nghề cho hơn 500 lao động nông thôn, gồm các nghề điện dân dụng, gò hàn, xây dựng, trồng rừng, trồng rau an toàn, chăn nuôi... Phần lớn, các học viên học nghề nông nghiệp có việc làm ổn định, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả.
Phó Phòng LĐ-TB&XH huyện Trà Bồng Nguyễn Đức Phong cho biết, trong nhiều năm thực hiện Đề án 1956 trên địa bàn huyện, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi nhận thức. Từ thói quen sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, giờ đây nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô trong sản xuất kinh doanh.
Việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Trà Bồng đã và đang phát huy hiệu quả, từ chủ trương đúng đắn của Nhà nước đã trao "chìa khóa", để người dân phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Phong, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế dẫn đến tỷ lệ người lao động có việc làm sau đào tạo còn thấp. Khó khăn lớn nhất trong dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay là đầu ra, nhu cầu tuyển dụng còn hạn chế. Điều này làm cho không ít người lao động không mặn mà với việc học nghề.
Bên cạnh đó, ở vùng sâu, vùng xa, nông dân có nhu cầu được đào tạo nghề, nhưng do cơ sở dạy nghề chưa đủ điều kiện, khó khăn trong việc đi lại nên công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng tốt yêu cầu. “Để góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, huyện Trà Bồng sẽ tập trung đào tạo nghề, gắn với tạo việc làm mới qua hình thức liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh", ông Phong cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN