Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Cần thêm chính sách hỗ trợ

01:07, 28/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số khó khăn cần được quan tâm  tháo gỡ, nhất là tăng cường thêm chính sách hỗ trợ, để đề án được triển khai đạt hiệu quả hơn.
 

TIN LIÊN QUAN


Qua 6 năm triển khai đề án 1956, toàn tỉnh có 37.518 lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh từ 30,5% năm 2011 lên  47% vào năm 2016. Trong đó, 34.619 người có việc làm, thêm việc làm, được nâng cao tay nghề sau học nghề (đạt 90%).

Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.
Đào tạo nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất.


Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm việc cũ, nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Nhất là, nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề với mục tiêu hỗ trợ tiền ăn chuyển sang học để nắm bắt khoa học, ứng dụng sản xuất, kỹ năng, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
 

Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh đã đề nghị Trung ương có kế hoạch phân bổ vốn hằng năm sớm hơn và tăng thêm vốn; hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình, cần có thêm các chính sách hỗ trợ, phụ cấp thêm cho cán bộ, giảng viên làm công tác đào tạo nghề ở vùng khó khăn...

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Việt Hùng, công tác đào tạo nghề cho LĐNT của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn phân bổ chậm và ít, trong khi ở một số huyện miền núi địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn để mở lớp. Mặt khác, nhận thức của lao động ở khu vực miền núi còn hạn chế. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đang “khát” lao động, trong khi lực lượng lao động, nhất là lao động ở miền núi dôi dư rất nhiều, nhưng lại không muốn học các nghề công nghiệp để chuyển đổi nghề.  

Một khó khăn nữa là, tỷ lệ LĐNT thuộc đối tượng hộ nghèo tham gia học nghề chiếm số lượng lớn, song lực lượng này sau khi được đào tạo gặp khó khăn về vốn và điều kiện cần thiết để mở rộng sản xuất. Hiện vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ vốn cho lao động nông thôn sau khi học nghề, để phát triển sản xuất, hành nghề đã được học. Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, trong khi người dân học nghề nông nghiệp lại không có kỹ năng kinh doanh, nên chưa biết đưa sản phẩm của mình ra thị trường để tiêu thụ...

UBND tỉnh ta đã ban hành Quyết định số 469 Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức khoa học, kỹ năng sản xuất nông nghiệp, kiến thức kinh tế thị trường, hội nhập cho LĐNT, giai đoạn 2017 – 2020. Mục tiêu đề ra là nâng cao kiến thức khoa học, kỹ năng sản xuất nông nghiệp, kiến thức kinh tế thị trường, hội nhập cho hơn 19.000 LĐNT trong tỉnh. Trong đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho 4.953 người, thí điểm mô hình nông nghiệp cho 325 người và nâng cập nhật kiến thức, kỹ năng về nông nghiệp, kinh tế thị trường cho 14.100 người.

Với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, sau đào tạo đảm bảo 80% số người học có việc làm mới hoặc tự tạo việc làm. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng cho LĐNT, để tiếp cận thị trường, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng tự khởi nghiệp, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của LĐNT từ chính ngành nghề được học.
 

Bài, ảnh: VŨ YẾN

 


.