(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở tỉnh ta đã có những kết quả đáng khích lệ. Số lượng và chất lượng giải được tăng lên từng năm.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Qua công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cho thấy, việc phát hiện nhân tố mới, cùng với đó là chú trọng đổi mới phương pháp, chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi; chế độ đãi ngộ cho giáo viên và học sinh... đóng vai trò quan trọng.
Phát hiện nhân tố mới
Thực tế trong những năm qua, do nguồn ưu tiên tuyển sinh của Nhà nước còn hạn chế, nên nhiều phụ huynh và học sinh chỉ hướng đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học. Một số em không còn mặn mà với việc thi học sinh giỏi, nhất là học sinh giỏi quốc gia. Trước thực tế đó, Ban Giám hiệu Trường THPT chuyên Lê Khiết đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên tích cực tuyên truyền, động viên học sinh tích cực học tập, tham gia đội tuyển học sinh giỏi; đồng thời phân tích để các em hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ của học sinh trường chuyên cũng như những ưu thế mà chỉ có học sinh trường chuyên mới có được. Cụ thể, đó là chế độ học bổng, cơ hội tuyển thẳng đại học, cơ hội du học...
Chế độ đãi ngộ thỏa đáng sẽ kích thích học sinh phấn đấu học tập, tham gia các đội tuyển học sinh giỏi các cấp. ẢNH: T.PHƯƠNG |
Bên cạnh đó, nhà trường đã chủ động sàng lọc, nhằm tách học sinh chuyên thành hai đối tượng để có cách dạy cho phù hợp. Đó là, với những em xuất sắc thì tập trung bồi dưỡng kiến thức để đáp ứng với việc tuyển chọn nhân tài, thi học sinh giỏi quốc gia. Phần còn lại được đào tạo, bồi dưỡng để tham gia kỳ thi thông thường khác.
Ngay từ kỳ I của lớp 10, nhà trường thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra hằng tháng để tuyển chọn. Dựa vào kết quả các bài kiểm tra, kết hợp với việc giảng dạy trên lớp cũng như tìm hiểu thông tin, thành tích của học sinh từ bậc THCS để hình thành đội tuyển khoảng 20 em rồi tổ chức bồi dưỡng. Cuối năm học, nhà trường tiếp tục sàng lọc đội tuyển còn lại 10 em/môn.
“Với cách làm này, trường đã có đội ngũ mang tính kế thừa. Mỗi năm trong thành phần đội tuyển quốc gia của tỉnh, cơ bản là học sinh trường chuyên”, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Khiết Vũ Thị Liên Hương cho biết. Theo thống kê của Trường THPT chuyên Lê Khiết, nếu như năm học 2012-2013, trường có 15 em học sinh giỏi quốc gia, thì đến năm học 2016-2017 là 20 em.
Tiếp tục đổi mới
Trước đây, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi ở Trường chuyên Lê Khiết nói riêng và ở tỉnh ta nói chung gặp những khó khăn nhất định. Mỗi trường đều tự tìm phương pháp, chương trình riêng. Chính vì vậy mà kết quả học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia ở tỉnh ta còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố khác. Trước thực trạng đó, Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cùng Sở GD&ĐT các tỉnh trong khu vực đã phối hợp với Hội Toán học Hà Nội, các chuyên gia đầu ngành bộ môn Toán học, Ngữ văn tổ chức liên kết bồi dưỡng học sinh giỏi các tỉnh khu vực. Thông qua đó, các địa phương cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi...
Để trường chuyên phát triển toàn diện đòi hỏi phải có nhiều yếu tố, trong đó thầy và trò đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh đó, cũng cần có sự quan tâm đầu tư của lãnh đạo tỉnh. Những năm gần đây cũng có nhiều chế độ đãi ngộ đối với học sinh trường chuyên cũng như thu hút nhân tài về trường chuyên. Tuy nhiên, những đãi ngộ đó vẫn chưa thật sự thu hút học sinh tham gia các đổi tuyển học sinh giỏi lẫn giáo viên.
Quảng Nam có nhiều ưu tiên để bồi dưỡng học sinh giỏi Tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), mặc dù chưa có bề dày lịch sử, nhưng nhờ tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, xây dựng ký túc xá và hỗ trợ cho các em tiền ưu đãi hằng tháng (mỗi em từ 0,8 - 1,2 hệ số lương cơ sở, tùy từng khu vực); các em nằm trong đội tuyển bồi dưỡng thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được hỗ trợ chế độ ăn riêng để bồi dưỡng sức lực... nên bước đầu cũng có những kết quả tích cực. |
TRỊNH PHƯƠNG