(Báo Quảng Ngãi)- Trong những ngày này, ngành giáo dục, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm đang hướng về giáo viên, học sinh nghèo với mong muốn giúp những thầy cô giáo, học sinh đón Tết ấm áp hơn.
Còn một tuần nữa là học sinh Trường THCS xã Long Sơn (Minh Long) nghỉ Tết theo kế hoạch chung của Sở GD&ĐT. Hiện thầy cô giáo của trường đã lên kế hoạch đập “heo đất tiết kiệm”, mở “thùng gạo tình thương”, xét đối tượng học sinh nghèo, neo đơn để hỗ trợ cho các em có một cái Tết vui tươi, đầm ấm...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiệu trưởng Trường THCS Long Sơn Trần Văn Nga, bộc bạch: Là xã miền núi nên địa hình khu dân cư cách trở, nhiều học sinh ở vùng sâu, xa đi lại gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống gia đình các em phần lớn đều phải lo ăn từng bữa. Có em không có cha mẹ, không có nơi nương tựa. Ngoài việc hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh nghèo, vùng khó khăn, trường còn huy động toàn thể giáo viên, học sinh nuôi “heo đất tiết kiệm”, tham gia “hũ gạo tình thương” để hỗ trợ thêm cho học sinh nghèo, nhất là mỗi khi Tết đến, Xuân về. Những tình cảm, nghĩa cử này đã giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên học tập.
Ngoài các nguồn hỗ trợ từ tiết kiệm chi, Công đoàn ngành giáo dục các cấp còn chỉ đạo các trường chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong dịp Tết. Ngoài việc chủ động nắm bắt tình hình đời sống của cán bộ, giáo viên, nhân viên, Công đoàn ngành giáo dục còn quan tâm đến các trường hợp nghèo, neo đơn để kịp thời hỗ trợ. Công tác chăm lo Tết cho học sinh nghèo cũng được quan tâm nhiều hơn... |
Cứ mỗi học kỳ là trường mở “hũ gạo tình thương”, đập “heo đất". Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhiễu - Tổng phụ trách đội của trường, cho hay: Mỗi lần đập "heo đất" thầy cô giáo rất xúc động, bởi trong đó toàn tiền 2.000 đồng, 1.000 đồng đã cũ, nhưng đó là tấm lòng biết sẻ chia, yêu thương bạn bè của các em. Đây là số tiền mà các em tiết kiệm từ tiền ăn sáng, mua quà vặt... Dù cuộc sống các em còn nhiều khó khăn, số tiền thu được không nhiều, nhưng thông qua việc làm nhỏ này đã giáo dục các em định hình nhân cách làm người. Trường đã duy trì hoạt động này đã 4 năm qua, góp phần giúp hàng chục em có hoàn cảnh khó khăn an tâm học tập, vui Xuân, đón Tết.
Ngoài số tiền lấy ra từ heo đất, nhân dịp Tết đến, đội ngũ thầy cô giáo ở Trường THCS Long Sơn cũng trích một phần lương ít ỏi của mình hỗ trợ hơn 2,5 triệu đồng cho 16 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ tình cảm của thầy cô giáo, bạn bè ở trường đã bồi đắp thêm cho các em nghèo tinh thần vượt khó học tập. Vì thế, sau khi nghỉ Tết, học sinh của trường trở lại lớp học đầy đủ.
Trường THCS Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) cũng đang triển khai việc lo Tết cho giáo viên, nhân viên nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường Đặng Minh Hùng, cho biết: Với giáo viên, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, anh em ai cũng chạnh lòng vì đồng lương ít ỏi. Năm học 2016 – 2017, trường quyết định thực hiện chính sách tiết kiệm chi. “Tiết kiệm chi không phải bỏ bớt các hoạt động của trường mà trong từng hoạt động, trường đã tính toán không để lãng phí", thầy Hùng bảo. Nhờ vậy, từ các hoạt động như thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi sử dụng đồ dùng dạy học và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao trường đã tiết kiệm được một khoản kinh phí. Cuối năm, trường đã hỗ trợ mỗi cán bộ, giáo viên được đánh giá hoàn thành công việc đạt loại A: 2 triệu, B: 1,9 triệu và C: 1,8 triệu đồng. Dù mức chi có sự chênh lênh nhau nhưng thầy cô ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Đối với giáo viên tiểu học, THCS ở các huyện miền núi của tỉnh thì mùa xuân này ấm áp hơn, bởi mỗi thầy cô giáo đều nhận được khoản tiền từ nguồn chi phụ cấp cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn từ các năm trước. Cô giáo Đinh Trần Thúy Vy - Trường THCS Ba Tô vui mừng bảo: Ngày cuối năm vật giá leo thang, đồng lương giáo viên chỉ đủ chi tiêu hằng tháng cho gia đình. Giờ có thêm nguồn phụ cấp 35% từ các năm, gia đình đỡ lo hơn nhiều.
Ngày cuối năm, không khí lạnh tràn về, nhưng tấm lòng, cử chỉ đẹp của thầy cô, học sinh, phụ huynh và ngành giáo dục đã giúp các thầy cô, học sinh ấm áp trong mùa Xuân này.
MAI HẠ