(Báo Quảng Ngãi)- Học xong trở về mảnh đất nghèo khó nơi mình sinh ra để đứng trên bục giảng, với những thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số không chỉ là niềm tự hào, vinh dự, mà còn là những nỗ lực để cống hiến cho quê hương.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ngày nắng cũng như ngày mưa, thầy Phạm Văn Đường đều kiên trì vượt khó vào điểm trường thôn Nước Chạch, Trường Tiểu học Ba Xa (Ba Tơ) để dạy dỗ học sinh đồng bào dân tộc Hrê. Hành trang của thầy Đường ngoài giáo án còn có gói cơm và đôi dép nhựa quen thuộc để vượt đường núi cheo leo.
Vượt qua nhiều khó khăn, thầy giáo Phạm Văn Đường luôn nỗ lực “cắm bản” gieo chữ cho học sinh đồng bào Hrê. |
Điểm trường thôn Nước Chạch là điểm khó khăn nhất của xã Ba Xa, đến nay chỉ có đường đi bộ hoặc xe máy. Thế nhưng, cách đây gần chục năm, thầy Đường đã xung phong xin về điểm trường khó khăn này. Thầy Đường cho hay: “Mình muốn đến những nơi khó khăn để hiểu hơn về đời sống của các em học sinh.
Lúc còn nhỏ, thấy nhà khó khăn quá, mình biết chỉ có đi học mới có cái chữ để mở mang kiến thức”. Vì vậy, món quà lớn nhất đối với thầy Đường chính là thế hệ đàn em đến lớp đầy đủ, lớp học duy trì sĩ số.
"Giáo viên người dân tộc thiểu số hiểu biết về ngôn ngữ, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào. Những năm qua, đây là đội ngũ làm rất tốt công tác vận động học sinh ra lớp, vận động người dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu... Các thầy cô giáo người đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu còn là tấm gương sáng “người thật, việc thật” để học sinh noi theo, nỗ lực phấn đấu trong học tập". Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ba Tơ Huỳnh Giang Nam |
Cô Nguyễn Thị Thu Nương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Xa cho biết, thầy Đường là giáo viên có tinh thần trách nhiệm cao, luôn tận tụy với nghề. Thầy Đường từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, là một trong những giáo viên đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu.
Hòa trong bóng dáng của các em học sinh lớp 9B, Trường THCS Ba Ngạc (Ba Tơ) là dáng người mảnh khảnh của thầy Phạm Văn Sứ, giáo viên bộ môn Hóa Sinh của trường. Tiết học môn Hóa của cả lớp hôm nào cũng sôi nổi, với phong thái giảng dạy tự tin, đầy nhiệt huyết của thầy Sứ.
Ít ai biết rằng, người thầy giáo này từng có một khoảng thời gian phải chia tay với nghề giáo. Thầy Sứ từng dạy ở Ba Nam, Ba Xa, Ba Chùa, sau đó phải nghỉ dạy 3 năm vì các trường hết hợp đồng. Đến năm 2013, thầy Sứ mới có quyết định đi dạy lại.
Những ngày đầu mới trở lại bục giảng, thầy Sứ phải thường xuyên củng cố lại chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp và internet. Nhà trường chưa có phòng thí nghiệm cho học sinh thực hành, thầy Sứ đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học, trình chiếu các phản ứng hóa học để học sinh hiểu thêm bài giảng.
Nhờ lòng yêu nghề, kiên trì, đam mê và luôn tích cực tìm tòi học hỏi, vừa qua thầy Sứ đã đạt giải ba cuộc thi sử dụng đồ dùng dạy học theo danh mục quy định cấp huyện và giải khuyến khích cấp tỉnh. Ngoài công tác dạy học, thầy Sứ còn là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường. "Những nỗ lực của thầy Sứ là động lực cho các em học sinh nơi đây noi theo", thầy Đặng Quang Trí - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Ngạc chia sẻ.
Cô giáo Hồ Thị Thu Nga hiện là giáo viên lớp 2 tại điểm trường thôn Cả, Trường Tiểu học và THCS Trà Hiệp (Trà Bồng). Thu Nga sinh ra trong một gia đình người Cor khó khăn ở xã Trà Sơn, nhưng với ý chí vươn lên, Nga tiếp tục theo đuổi việc học.
Ngoài công tác chuyên môn, cô giáo Thu Nga còn là hạt nhân trong các phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của nhà trường. Hai năm vừa qua, cô giáo Hồ Thị Thu Nga được UBND huyện Trà Bồng công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt giải giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh... Vừa qua, cô giáo trẻ Hồ Thị Thu Nga được nhà trường tín nhiệm giao đảm nhận vai trò bí thư đoàn trường. Cô Võ Thị Tư - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trà Hiệp đánh giá: "Cô giáo trẻ Hồ Thị Thu Nga vững về chuyên môn, có ý chí cầu tiến, ham học hỏi. Cô Nga thật sự là “hạt giống đỏ” trong đồng bào dân tộc thiểu số".
Bài, ảnh: BẢO HÒA